Trà - thức uống tinh hoa đất trời dần trở nên một thức uống đặc trưng, phổ biến trong cuộc sống thường ngày, trong sự kiện và là cống phẩm vua chúa yêu thích. Được thiên nhiên ưu đãi vùng đất Trung Hoa trồng ra những cây trà ngon, cùng sự sáng tạo của người nông dân đã tạo nên nhiều loại trà ngon thượng hạng để sử dụng trong yến tiệc, lễ tết và dâng lên vua chúa. Qua mỗi niên đại, những loại trà ngon được đánh giá là cực phẩm đều được ghi chép vào sử sách, lưu truyền hậu thế.
Thập đại danh trà Trung Quốc hay gọi tắt là thập đại danh trà là một danh sách bao gồm 10 loại trà ngon, nổi tiếng nhất xứ sở Trung Hoa. Đây là những loại trà ngon nhất, có sắc hương vị độc đáo và đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với những loại trà thông thường khác.
Trà Long Tỉnh
Đứng đầu danh sách là trà Long Tỉnh hay còn gọi là Trà “Giếng Rồng” được đặt theo tên một vùng trà nổi tiếng, chính là thôn Long Tỉnh, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. Vùng đất này có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi cho cây trà phát triển tốt, tạo ra loại trà chất lượng. Tương truyền tên gọi của thức uống này cũng là do vua Càn Long đích thân ban cho. Nhà vua sau khi nhìn thấy bóng cây trà dưới giếng nước tựa hình ảnh một con rồng vươn cánh bay lượn nên đã nổi nhã hứng đặt cho cái tên mỹ miều là Long Tỉnh Trà. Ngày nay, trà Long Tỉnh rất được các nhà lãnh đạo Trung Quốc yêu thích, dùng để tiếp khách quý trong các cuộc họp nhà nước.
Trà Long Tỉnh là một loại trà xanh nổi tiếng được chế biến thủ công theo phương thức truyền thống. Giống như hầu hết các loại trà xanh khác, lá trà được hái vào buổi sáng, trải qua 4 tiếng sao khô tránh quá trình lên men. Mọi công đoạn từ hái trà, sao khô và chế biến đều được chăm chút chỉn chu bằng tay tạo ra hình dạng lá trà dẹp, chắc và kích thước đều nhau, có màu xanh non cực đẹp.
Trà Long Tỉnh đậm hương, ngọt vị bùi bùi như hạt dẻ, nước trà màu vàng nhạt lại ánh xanh. Uống rồi mà dư vị mãi không tan. Đặc trưng của Long Tỉnh là mang vị trà xanh tươi mát, đậm đà, hương thơm dịu mát dễ chịu. Khi pha các búp trà thường đứng thẳng trong nước rất đẹp mắt.
Long Tỉnh có cánh mỏng, búp hơi tròn và dài. Lá trà có một màu xanh tươi khá tự nhiên, mùi hương thơm mát, dịu nhẹ và dễ chịu vô cùng. Có nhiều loại trà Long Tỉnh sau khi sản xuất được một thời gian sẽ không còn giữ được hương vị vẹn nguyên như ban đầu. Để phân biệt bạn có thể dựa vào màu sắc của lá mùi thơm đặc trưng của trà. Theo đó, lá trà chuẩn phải có màu xanh non hơi ánh vàng. Mùi hương của trà nhẹ nhàng, thoang thoảng như mùi hoa lan.
Trà Bích Loa Xuân
Bích Loa Xuân (hay còn gọi Hách Sát Hương Nhân) được mệnh danh là đệ nhất trà xanh. Tương truyền, khi thu hoạch, lá trà gặp hơi nóng cơ thể người và đã phát ra mùi hương kỳ lạ nên được mọi người đặt cho cái tên Nhân Hương, nghĩa là mùi thơm lá trà phát ra từ cơ thể con người. Trà cũng nổi tiếng với hương vị dịu ngọt đặc trưng. Một lần Hoàng đế Khang Hy khi đi du ngoạn Thái Hồ, thưởng trà Nhân Hương cảm thấy vị trà quá tuyệt vời liền đổi tên thành “Bích Loa Xuân” để xứng với mùi vị của loại trà này.
Nước trà Bích Loa Xuân mang màu xanh ngọc, có hương thơm của trái cây và hương hoa hòa quyện. Trà được trồng làm 2 vụ xuân và đông, chỉ hái búp non và làm héo trong nhà. Bích Loa Xuân được đánh giá là loại trà có chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất trong Thập Đại Danh Trà.
Trà Bích Loa Xuân có màu xanh lục, hình như con ốc biển, bốn phía có nhiều lông mao dày. Uống trà Bích Loa Xuân ngon nhất là dùng cốc thủy tinh, lá trà sau khi ngấm nước sẽ dần dần dãn nở, lúc nổi lúc chìm, lông trắng lộ ra giống như tuyết đang múa trong gió, vừa mang lại cho con người sự thưởng thức về xúc giác và vị giác, lại có cảm giác đẹp về mặt thị giác.
Trà Thiết Quan Âm
Thiết Quan Âm có nguồn gốc tại huyện An Khê có hơn 200 năm lịch sử. Cây trà để trồng ra loại trà này vốn dĩ khó trồng, nên cần sự chăm chút tỉ mỉ trong từng giai đoạn phát triển. Cây trà ra búp bốn mùa trong năm, mùa xuân sẽ cho sản lượng nhiều nhất và vị trà thơm đượm nhất vào mùa thu.
Trà Thiết Quan Âm là một loại cực phẩm trà ô long trong thập đại danh trà. Lá trà chất lượng thì lá sẽ hơi cong, đỉnh cọng trà trông như đầu chuồn chuồn, thân xoắn, đầu còn lại trông như chân ếch. Trên bề mặt lá còn có một lớp sương trắng mỏng, gọi là “sa lục”. Lớp này có được do trà được bọc vải trắng sau khi làm khô, trải qua nhiều lần hong khô bằng nhiệt độ thấp, cafein trong trà sẽ thăng hoa và kết tinh thành lớp trên bề mặt lá. Trà Thiết Quan Âm chứa khoảng 30 loại khoáng chất khác nhau, giúp thúc đẩy tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, và trị bệnh mạch vành. Ngoài ra, hương thơm của loại trà này còn có tác dụng thư giãn đầu óc
Trà Thiết Quan Âm có sợi cong, tròn đầy đặn xoắn chắc vào nhau trông rất đẹp. Cánh trà có màu xanh lục, nhỏ nhắn được thu hái cẩn thận trước khi bắt tay vào chế biến. Trà pha với nước sôi có mùi thơm nhẹ, nước trà ngả màu vàng tươi đậm, mang mùi thơm tự nhiên của hoa lan.
Trà Hoàng Sơn Mao Phong
Hoàng Sơn Mao Phong được ghép lại từ tên nơi quê hương “Mao Phong” và tên của dãy núi “Hoàng Sơn”. Đây là danh trà nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, vì sắc, hương, vị, hình đều độc đáo. Hoàng Sơn Mao Phong thuộc loại trà xanh và được sản xuất tại Hoàng Sơn, tỉnh An Huy. Trà có một đầu nhọn và hình dạng hơi giống “lưỡi chim sẻ”, lá có màu vàng vàng, màu xanh nhạt và lá trà có lông tơ lộ rõ nên được gọi là Mao Phong, mùi thơm tươi, màu nước trong trong, màu vàng mơ, tươi sáng, êm dịu và ngọt ngào, chồi và lá ở dưới dày và sáng. Trà thường được thu hoạch vào thời gian tiết Thanh Minh là ngon nhất. Trà có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa ung thư và các bệnh về tim mạch.
Trà Quân Sơn Ngân Châm
Trà Ngân Châm hay còn gọi trà vàng Quân Sơn Ngân Châm, trà được phát hiện ở đảo Quân Sơn, tỉnh Hồ Nam. Hoa trà thưởng nở vào tháng 6, cũng là thời điểm cho lá trà chất lượng nhất trong năm, thường được hái vào sáng sớm. Quy trình thu hái được tuyển chọn tỉ mỉ, sau khi hái cách mà các nghệ nhân chế biến trà cũng công phu không kém. Theo đó người dân Phúc Kiến không sử dụng bất kỳ loại dụng cụ hay máy móc nào, toàn bộ quá trình sản xuất, sao và sấy trà được thực hiện bằng hai bàn tay.
Trà Ngân Châm chuẩn được chia thành hai loại chính là trà búp và trà tơ. Thông thường thì những cây trà mọc ở phía đông của đảo Quân Sơn sẽ có chất lượng tốt hơn khi chúng đón được các tia nắng ban mai, sương đọng trên lá sẽ làm giảm lượng tơ trên thân. Trà trồng phía tây sẽ chịu cường độ ánh sáng mạnh hơn và ban đêm sẽ có nhiều sương nên búp sẽ rất nhiều tơ. Trà Ngân Châm không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn rất được lòng trà nhân đất Việt. Nước trà trong, hương thơm nhẹ, hơi chát rất phù hợp với những ai có sở thích thưởng trà.
Kỳ Môn Hồng Trà
Kỳ Môn Hồng Trà được xếp vị trí thứ 6 trong Thập đại danh trà. Loại trà nổi tiếng tại huyện Kỳ Môn, tỉnh An Huy. Tỉnh Vân Nam, nơi có những vườn trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cũng bắt đầu chế biến hồng trà vào đầu thế kỷ 20. Vào năm 1938, một thương nhân và người làm trà đến từ Kỳ Môn (An Huy) đã lập nhà máy và sáng tạo nên một loại hồng trà có tên là Điền Hồng. Đặc điểm của loại trà này là có lông vàng bao quanh cánh trà, do trà được làm từ búp trà của cây trà cổ thụ.
Kỳ Môn Hồng Trà được lên men trong quá trình hái, ủ và sấy. Các bước chế biến đều được làm thủ công chỉn chu từ khâu chọn hái từng búp trà, rồi trải qua giai đoạn héo điêu, xoa vê và bán lên men,... Kỳ Môn Hồng Trà chứa nhiều chất Flavonoid rất tốt cho sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Trà Đại Hồng Bào
Đại Hồng Bào là loại Trà đứng đầu ở núi Vũ Di, còn được gọi với tên gọi Nham Trà Đại Hồng Bào, Đại Hồng Bào Vũ Di. Đại Hồng Vào thuộc dòng trà ô long, có xuất xứ từ núi Vũ Di, Phúc Kiến, Trung Quốc. Một trong Thập Đại Danh Trà nổi tiếng với chất lượng tuyệt vời, mang hương hoa ngào ngạt, dai dẳng, vị trà dịu ngọt đượm hương lan.
Hiện tại, trà Đại Hồng Bào thượng hạng có giá lên đến 1.400 USD/gr, là một trong những loại trà đắt nhất thế giới. Vì Đại Hồng Bào được chế biến từ búp của một cây trà cổ thụ mọc trên vách đá núi Vũ Di, rất khó thu hái và đây là cây trà được nhà nước Trung Hoa bảo vệ cẩn thận.
Trà Đại Hồng Bào có hương thơm, hậu vị ngon ngọt. Cây trà cho sản lượng vô cùng ít, có thể thu hoạch cả 4 mùa, nhưng mùa đông thì cho sản lượng thấp nhất. Chất lượng của mỗi mùa cũng khác nhau, được phân làm loại đặc biệt, loại 1 và loại 2. Trà Đại Hồng Bào được oxi-hoá trên 50%, sắc trà dần biến từ xanh sang đỏ, vị ngọt dần xuất hiện. Đại Hồng Bào có tác dụng chống ung thư, hạ huyết áp, cải thiện tim mạch, giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ,…
Trà Lục An Qua Phiến
Lục An Qua Phiến hay Trà Qua Phiến là loại trà xanh được trồng trên đỉnh Đại Sơn, vùng Lục An, tỉnh An Huy, xếp thứ 8 trong Thập đại danh Trà. Người nông dân chỉ chọn những búp trà tươi ngon nhất, bỏ phần mầm, gân rồi phơi khô. Nước trà Qua Phiến có màu xanh ngọc, trong trẻo, có hương rất thơm, vị nồng có chút ngọt.
Hình dạng phẳng, búp trà mập và chắc, mép lá hơi cong vênh, sau khi pha mùi thơm nồng, màu nước trong và sáng, mặt dưới lá có màu xanh dịu. Uống trà qua phiến của Trung Quốc giúp giảm nguy cơ ung thư. Các chất chống oxy hóa trong trà xanh hiệu quả hơn vitamin C hơn 100 lần và gấp khoảng 24 lần so với vitamin E.
Trà Bạch Hào Ngân Châm
Bạch Hào Ngân Châm hay trà trắng búp non hay Baihao Yinzhen thuộc cực phẩm trong dòng trà trà trắng (bạch trà), được sản xuất tại tỉnh Phúc Kiến.
Loại trà mang tinh túy của cả đất trời, giữ nguyên hương vị là trà tươi. Người nông dân sẽ hái từng búp chè non theo tiêu chuẩn cao, chỉ thu hái những búp trà non, mịn và có lớp lớp lông tơ trắng bao quanh búp trà. Sau đó trải qua giai đoạn phơi trong bóng râm, diêu thanh, tạo hình đẹp bắt mắt. Cùng với Quân Sơn Ngân Châm, Bạch Hào Ngân Châm nổi tiếng về cả sắc, hương và vị, từng là Hoàng gia Cống Phẩm và được vua chúa dùng trong các buổi ngự trà, xứng đáng với tên gọi “Mỹ nhân trong các danh trà”.
Trà Phổ Nhĩ - Pu-erh Tea - Bửu Lị
Loại trà cuối cùng trong danh sách Thập đại danh trà Trung Hoa - Trà Phổ Nhĩ. Loại trà có nhiều tên gọi mà bạn nên biết như Trà Bửu Lị, trà Pu-erh và có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Điểm mấu chốt tạo nên sự đặc biệt của dòng trà này là trải qua quá trình lên men sau khi chế biến. Trà Phổ Nhĩ được diệt men, vò và phơi nắng làm khô lá trà thay vì sấy trà như các loại trà đen bình thường. Phương pháp phơi nắng làm cho lá trà được làm khô chậm hơn, chính vì vậy mà trà lại tiếp tục lên men một phần nhỏ.
Phổ nhĩ có nhiều loại như trà phổ nhĩ chín, trà phổ nhĩ rời hay phổ nhĩ quýt tùy vào khâu chế biến thành phẩm. Màu nâu đỏ đậm của trà Phổ Nhĩ sóng sánh rất đẹp, mùi thơm đậm và có vị chát dịu, hậu ngọt, khi uống vào có cảm giác thông cổ.