Tự Lập – nơi chè không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn là "chìa khóa" giúp người dân thoát nghèo, làm giàu và kiến tạo tương lai xanh bền vững.
Nằm ở đầu mối giao thương giữa Tuyên Quang và Hà Giang, thị trấn Vĩnh Tuy (huyện Bắc Quang) được xem là cửa ngõ quan trọng, nơi hội tụ các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 2 và mới đây là điểm đầu khởi công của tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Với lợi thế đó, những năm qua, Vĩnh Tuy đã và đang từng bước bứt phá trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy khẳng định. “Tự Lập là thôn tiêu biểu, hội tụ đầy đủ các tiêu chí về phát triển bền vững. Việc lấy cây chè làm trụ cột kinh tế và gắn với mô hình nông nghiệp công nghệ, du lịch xanh là hướng đi phù hợp. Chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ thôn phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến và xúc tiến thương mại để hình thành thương hiệu ‘Chè Tự Lập’ mang tính nhận diện địa phương.”
Thôn Tự Lập, với 58 hộ dân, trong đó hơn 63% hộ khá, giàu, không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành điểm sáng toàn diện trong xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; đời sống văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự được đảm bảo.
Ông Nguyễn Hải Nam – Trưởng thôn Tự Lập cho biết. “Trước đây người dân chủ yếu trồng ngô, sắn, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Từ khi chuyển sang trồng chè, đời sống thay đổi rõ rệt. Cả thôn thống nhất chủ trương xây dựng vùng chè sạch, liên kết với hợp tác xã để không còn cảnh bán chè tự do, bấp bênh giá cả. Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng khâu kỹ thuật, giữ gìn thương hiệu và môi trường canh tác bền vững.”
Hiện nay, toàn thôn có trên 30ha chè, trong đó gần 80% đã được cải tạo giống mới, chủ yếu là chè Shan Tuyết, chè LDP1, chè Kim Tuyên. Việc tổ chức sản xuất quy củ và liên kết với HTX chè Vĩnh Tuy đã giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.
Bà Tuyết – hộ kinh doanh sản xuất và trồng chè lâu năm chia sẻ “Trước kia, người dân chỉ thu được 5-7 triệu mỗi tháng từ chè. Nay nếu chăm tốt, chè sạch, giá cao hơn, lợi nhuận có thể đạt gấp đôi, thậm chí gấp ba.”
Không chỉ vậy, HTX còn phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón, thu hái đúng chuẩn VietGAP và đầu tư máy sao chè, sấy chè để nâng cao chất lượng đầu ra.
Một trong những điểm khác biệt của Tự Lập là tầm nhìn phát triển kinh tế xanh. Một số hộ dân mạnh dạn kết hợp giữa trồng chè và làm dịch vụ du lịch sinh thái. Các đồi chè trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách thích trải nghiệm.
Cây chè trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ dừng ở đó, thế hệ trẻ tại Tự Lập đang tận dụng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để đưa chè ra khỏi bản làng. Những clip TikTok giới thiệu quy trình làm chè, hình ảnh đồi chè phủ sương… thu hút hàng chục nghìn lượt xem và giúp gia tăng lượng khách đặt mua online.
Ngày 28/5/2023, tại chính địa bàn thôn Tự Lập, dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đã được khởi công. Đây không chỉ là tuyến đường chiến lược kết nối vùng mà còn là "cú hích" cho nông sản Vĩnh Tuy nói chung và chè Tự Lập nói riêng.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch thị trấn. “Chúng tôi xác định tuyến cao tốc là yếu tố then chốt để chè Tự Lập có thể tiến ra thị trường lớn. Thị trấn đã xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị chè giai đoạn 2025–2030, tập trung vào cơ giới hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm tại các đô thị lớn.”
Không dừng lại ở sản xuất, lãnh đạo thị trấn và người dân thôn Tự Lập đang đặt mục tiêu biến địa phương này thành vùng nguyên liệu chè chất lượng cao của toàn tỉnh Hà Giang, với các tiêu chuẩn sản xuất sạch, gắn với du lịch nông nghiệp, và chuyển đổi số toàn diện.
Tuy nhiên, những rào cản như: thiếu vốn đầu tư sâu chế biến, chưa có thương hiệu tập thể rõ ràng, sản phẩm vẫn phụ thuộc vào một số đầu mối bao tiêu… là những điều cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Thành công của thôn Tự Lập cho thấy, xây dựng nông thôn mới không chỉ cần cơ sở hạ tầng mà còn cần sự đổi mới trong tư duy sản xuất. Từ cây chè, người dân đã biết cách “đánh thức” tiềm năng đất đai, khí hậu và văn hóa bản địa để làm giàu một cách văn minh, xanh và bền vững. Với sự đồng hành từ chính quyền, sự quyết tâm từ người dân và định hướng rõ ràng về phát triển kinh tế nông thôn, thôn Tự Lập hứa hẹn tiếp tục là hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh Hà Giang và khu vực miền núi phía Bắc.
XUÂN SỸ