Còn nhiều bất cập về công tác GPMB, tiến độ dự án
Sở Xây dựng Lâm Đồng vừa có báo cáo về công tác thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của tỉnh.
Cụ thể, Sở Xây dựng cho biết, năm vừa qua nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển về nhà ở, sự phát triển của thị trường bất động sản đã góp phần thu hút các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, giữ vững ổn định, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu, đảm bảo an sinh xã hội góp phần phát triển cho các đô thị, du lịch và tăng trưởng xanh… Các dự án phát triển nhà ở đang dần khắc phục các khó khăn, để đẩy nhanh tiến độ, tập trung tài chính để đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, tình hình thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở và tiến độ đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới, nhà ở xã hội, một số công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; các loại nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, nhà ở công vụ chưa được triển khai; quỹ đất sạch dành cho phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách và việc thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở, xây dựng hạ tầng các khu dân cư chưa hiệu quả, gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Việc áp dụng các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng chưa kịp thời, hiệu quả dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở. Nhu cầu nhà ở xã hội có, nhưng thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội. Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững. Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn chưa đầy đủ và liên tục, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân khi tham gia thị trường.
Đặc biệt đối với các dự án nhà ở thương mại, trong năm, các dự án đã được phê duyệt tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, phần lớn các dự án có tiến độ thực hiện chậm nên kết quả đạt được chưa cao; do gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, một số nhà đầu tư sau khi có chấp thuận chủ trương dự án lại không thực hiện triển khai vì năng lực tài chính không đảm bảo để thực hiện. Các dự án đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chậm triển khai xây dựng nhà để bán…
Thị trường có chiều hướng sôi động, thu hút nhiều “ông lớn” quan tâm
Đánh giá về thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh năm vừa qua, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, thị trường có chiều hướng diễn biến tích cực. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết thông qua phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư, tình hình thị trường bất động sản sôi động tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc.
Ngoài ra, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư trong thời gian qua đã được tháo gỡ, nhất là các dự án dừng triển khai trước đây. Do đó, các dự án đã bắt đầu tập trung đầu tư xây dựng, khởi động trở lại mạnh mẽ hơn.
Sở Xây dựng cũng cho biết, thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm như Tập đoàn Hưng Thịnh, Đèo Cả, Novaland, FLC, Him Lam, Ecopark,… đến tìm hiểu và đề xuất đầu tư dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở, các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái.
Về nguồn cung là lượng giao dịch, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, nguồn cung căn hộ tại Lâm Đồng năm vừa qua đến từ 11 dự án với 2.939 căn, tổng lượng giao dịch đạt 3.035 căn. Lượng giao dịch đất nền là 36.549 lô, chung cư là 48 căn.
Số lượng các dự án phát triển nhà ở được cấp phép trong năm qua chỉ ghi nhận hai dự án. Số lượng dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản đang triển khai ghi nhận 4 dự án với 18 căn. Tỉnh chỉ có một dự án đã hoàn thành với số lượng 5 căn. Không có dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong năm vừa qua, Lâm Đồng không ghi nhận dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư. Còn bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung đến từ 9 dự án với 27 căn hộ du lịch và 141 biệt thự du lịch.
Về giá bán, theo Sở Xây dựng, phân khúc nhà ở thương mại có biến động, tuy nhiên mức độ không lớn.
Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện triển khai Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng năm 2030 của tỉnh và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện việc phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm.
Đồng thời, tỉnh sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Đây sẽ là cơ sở tác động tích cực đến thị trường bất động sản tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản cần có các chính sách kịp thời để thu hút và khai thác hiệu quả.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nhận định, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển, và các khu vực được nhắm đến sẽ là các đô thị như TP. Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà,…