Thị trường chè thế giới bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chè Việt làm gì để vượt qua?

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng và trị giá xuất khẩu chè giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu chè cũng giảm cả lượng và kim ngạch… Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định nguyên nhân lớn do phát sinh chi phí và khó khăn do vận tải biển đồng thời đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ.

Thị trường chè thế giới bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chè Việt làm gì để vượt qua? - Ảnh 1

Thị trường chè thế giới bị tác động do dịch 

Số liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu chè của Kê-ni-a trong nửa đầu năm 2021 đạt 296,7 nghìn tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp tình hình thời tiết bất lợi. Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Trung Quốc đạt 194,16 nghìn tấn, trị giá 120,48 triệu USD, giảm 5,5% về lượng và tăng 0,05% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần chè của Việt Nam giảm trong tổng lượng nhập khẩu chè của thị trường Đài Loan. Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng và trị giá xuất khẩu chè giảm mạnh trong tháng 9 tháng đầu năm 2021.

Xuất khẩu chè của Kê-ni-a trong nửa đầu năm 2021 đạt 296,7 nghìn tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp tình hình thời tiết bất lợi. Sản lượng chè của Kê-ni-a trong nửa đầu năm 2021 đạt 274,1 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Do thời tiết bất lợi từ đầu năm đến nay, hiện tại nhiệt độ lạnh hơn và thời kỳ khô hạn đã tới, vì vậy trong những tháng cuối năm 2021 sản lượng sản xuất dự kiến giảm. Tính riêng trong tháng 6/2021, xuất khẩu chè của Kê-ni-a đạt 15,2 nghìn tấn, giảm 11% so với tháng 5/2021.

Trong tháng, Kê-ni-a xuất khẩu chè tới 43 thị trường, giảm 8 thị trường so với tháng 5/2021. Kê-ni-a xuất khẩu chè nhiều nhất tới thị trường Pa-ki-xtan; tiếp theo là Ai Cập, Anh, Xu-đăng, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Tại Trung Quốc, Cơ quan Hải quan nước này cho biết, trong tháng 7/2021 Trung Quốc xuất khẩu chè đạt 29,36 nghìn tấn, trị giá 217,91 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Trung Quốc đạt 194,16 nghìn tấn, trị giá 120,48 triệu USD, giảm 5,5% về lượng và tăng 0,05% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2021 đạt 7,42 USD/kg, tăng 5,04% so với tháng 7/2020.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 6,21 USD/kg, tăng 5,92% so với cùng kỳ năm 2020. Chè xanh là chủng loại xuất khẩu chính trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 163,3 nghìn tấn, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 84,1% tổng lượng chè xuất khẩu. Tiếp theo là chủng loại chè đen xuất khẩu đạt 15,7 nghìn tấn, giảm 4,4%, chiếm 8,1%; chè ô long đạt 10,4 nghìn tấn, giảm 4,1%, chiếm 5,4%; chè hương vị đạt 3,02 nghìn tấn, giảm 16,2%, chiếm 1,6%; chè Phổ nhĩ được làm từ lá của cây chè Shan tuyết cổ thụ đạt 1,42 nghìn tấn, giảm 21,6%, chiếm 0,7%...

Thị trường chè thế giới bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chè Việt làm gì để vượt qua? - Ảnh 2

Việt Nam: 9 tháng năm 2021 xuất khẩu chè giảm cả lượng và kim ngạch

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2021 cả nước xuất khẩu 91.595 tấn chè các loại, tương đương 153,29 triệu USD, giá trung bình 1.673,6 USD/tấn, giảm 6,6% về lượng, giảm 2,5% về kim ngạch nhưng tăng 4,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tháng 9/2021 xuất khẩu 11.695 tấn, đạt 20,33 triệu USD, giá 1.738,5 USD/tấn, tăng 13% về lượng và tăng 16,6% kim ngạch và tăng 3% về giá so với tháng 8/2021.

Chè của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Pakistan, chiếm 30,4% trong tổng khối lượng và chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 27.821 tấn, tương đương 54,69 triệu USD, giá trung bình 1.965,9 USD/tấn, giảm 4,9% về lượng, giảm 2% về kim ngạch nhưng tăng 3% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh. Triển vọng xuất khẩu chè trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Thị trường chè thế giới bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chè Việt làm gì để vượt qua? - Ảnh 3

Xuất khẩu chè 9 tháng năm 2021 (Tính toán từ số liệu công bố ngày 12/10/2021 của TCHQ)

Đáng chú ý, trong tháng 8/2021 lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan, Nga và Trung Quốc đều giảm mạnh. Trong khi đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường: I-rắc, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Ả rập xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Đức tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường I-rắc đạt 599 tấn, trị giá 918,6 nghìn USD, tăng 106,6% về lượng và tăng 98,9% về trị giá; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 509 tấn, trị giá 696,2 nghìn USD, tăng 76,1% về lượng và tăng 86% về trị giá… Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ các thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam.

Hiệp hội và doanh nghiệp đồng hành tháo gỡ

Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là trước những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè đang phải đối mặt, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực tìm ra những hướng đi mới nhằm ổn định sản xuất, nhất là tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi kết nối với rất nhiều tổ chức, đơn vị, các cơ quan quản lý Nhà nước, tìm hiểu giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay; kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sàn giao dịch điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản; được sự giúp đỡ, kết nối của Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi được tiếp cận với một số trang thương mại điện tử quốc tế. Sau khi tìm hiểu chúng tôi chọn trang thương mại điện tử Alibaba.com. Chúng tôi đã thành lập nhóm tiêu thụ sản phẩm và kết nối với Alibaba để đăng ký 1 gian hàng thương mại điện tử trên Alibaba.com, các đơn vị cũng rất phấn khởi"…

Thị trường chè thế giới bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chè Việt làm gì để vượt qua? - Ảnh 4

Công ty Cổ phần Chè Hà Thái là 1 trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè lớn của Thái Nguyên.

Theo TS. Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, dịch bệnh đã cản trở việc lưu thông trong nước và quốc tế,chè xuất khẩu chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng giá vận tải biển tăng vọt, nhiều lúc không thuê được tàu vì thiếu vỏ container.

"Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. Nhiều doanh nghiệp trong cả nước bị đình trệ trong việc xuất khẩu chè bởi rơi vào vùng dịch phải thực hiện việc cách ly xã hội. Bên cạnh đó, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi, các hợp đồng mới gần như không có".

Theo TS. Tài, trước tình hình trên, Hiệp hội đã chủ động làm việc và có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, cụ thể là Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương yêu cầu các hãng tàu, các doanh nghiệp kinh doanh ngành logistics phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

“Theo thống kê, hiện nay, các thị trường Việt Nam đã ký các Hiệp định Thương mại CTPPP, EVFTA vẫn chưa tận dụng được ưu thế do các rào cản kỹ thuật và những hậu quả do đại dịch Covid – 19 gây ra. Việc tổ chức xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, giao lưu văn hóa trà... trong và ngoài nước của ngành chè bị cản trở, do không thể tổ chức vào mùa dịch khiến cho việc tiếp cận thông tin thị trường bị chậm trễ. Tuy nhiên, trong khó khăn nhiều doanh nghiệp đã tự điều chỉnh hệ thống tổ chức sản xuất và phân phối phù hợp, sản phẩm ngày càng đa dạng với xu hướng ngày càng nâng cao giá trị”, ông Tài cho biết.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ những tháng đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới nhiều tiềm năng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung, vì đây tiếp tục là một trong hai thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; sự vào cuộc, đồng hành của cơ quan nhà nước và hiệp hội, những khó khăn trong xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ sớm được tháo gỡ, tạo đà phát triển cho xuất khẩu “vàng xanh” của nước ta trong thời kỳ hậu Covid.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.