Để giữ ổn định diện tích cây chè đồng thời phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà, các địa phương đã đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Qua đó, các đơn vị cũng đầu tư chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm chè, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phầm trà đặc sản.
Theo các nhà nghiên cứu, lĩnh vực phát triển nhanh nhất hiện nay là “trà đặc sản”, người tiêu dùng đang ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm sản phẩm trà chất lượng cao hơn, do vậy ngày càng có nhiều công ty chè châu Âu, châu Mỹ sang Châu Á tìm mua trà đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền, có nguồn gốc hữu cơ và có nét đặc trưng nhất định. Đây là cơ hội cũng như thách thức lớn cho các doanh nghiệp trà Việt Nam phát triển dòng trà đặc sản tại thời điểm này.
Được biết, thị trường trà trong 10 năm trở lại đây có những phát triển đáng kể. Quy mô thị trường chè được định giá là 52,1 tỷ đô la vào năm 2018 và ước tính sẽ đạt 81,6 tỷ đô la vào năm 2026, đăng ký CAGR 5,8% từ năm 2019 đến 2026. Năm 2018, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa cổ phần trong thị trường chè toàn cầu và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,5% trong suốt giai đoạn dự báo.
Tại Việt Nam, trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam đang là dòng trà đặc sản được nhiều người Việt nói riêng và cộng đồng uống trà thế giới nói chung đón nhận. Đây là sản phẩm trà có nguồn gốc tự nhiên 100%, không sử dụng hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản; túi nhỏ tan nhanh, tiện dùng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Sản phẩm được sản xuất từ búp chè Shan Tuyết, tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá và được thu hái và chế biến hoàn toàn thủ công bởi người dân tộc Mông, Dao bản địa trên các vùng núi cao từ 1000m trở lên, thuộc các tỉnh như Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên… Đây cũng là nguồn thu nhập chính góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng người dân tộc nơi đây.
Trước những lợi thế về dinh dưỡng cao mà dòng trà Shan tuyết cổ thụ mang lại, cùng với chiến lược quy hoạch, phát triển vùng trà bền vững, đầu tư nhà máy sản xuất quy mô và bài bản, thương hiệu trà Shanam gây ấn tượng với cộng đồng người yêu trà Việt Nam và Quốc tế. Hiện nay, thương hiệu trà Shamam sản xuất và phân phối đủ các dòng trà nổi tiếng trên thế giới như: bạch trà, trà xanh, trà đen, hồng trà, trà vàng và trà ép bánh. Các dòng sản phẩm này đều mang đặc sắc riêng, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và giành giải cao trong các cuộc thi trà Quốc tế.
Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sự biến đổi của khí hậu, nhưng hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè Việt Nam đã tập trung vào phân khúc thị trà đặc sản này.
Là một trong những hợp tác xã chè xuất khẩu chủ lực, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã giảm mạnh lượng xuất khẩu, tuy nhiên, với kho chứa lớn, HTX Đại La (Yên Bái) lại tập trung phát triển đều đặn diện tích chè Shan tuyết cổ thụ của địa phương. Để bảo đảm liên kết bền vững, HTX phải giữ đúng cam kết bao tiêu sản phẩm, còn các hộ tham gia liên kết phải tuân thủ sản xuất chè đúng quy trình VietGAP và hữu cơ. Tuy nhiên, thay vì xuất khẩu, công ty đã đẩy mạnh tiêu thụ nội địa thông qua hàng trăm điểm giới thiệu đặc sản tại các xã vùng chè mà tỉnh Yên Bái và các doanh nghiệp phối hợp xây dựng.
Mặc dù đang mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân, nhưng theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng chè đặc sản ở nước ta vẫn manh mún khi có tới gần 65% diện tích sản xuất theo nông hộ, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ. Ngoài ra, ở nhiều địa phương nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ chưa đạt yêu cầu do hạn chế trong việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến, khiến năng suất, chất lượng chè chưa cao; một số địa phương chưa có định hướng phát triển cụ thể cho từng giống chè để phát huy tiềm năng, lợi thế và thực hiện các cánh đồng lớn.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất chè lớn đã quy hoạch được vùng nguyên liệu trồng chè đặc sản, tuy nhiên, một số địa phương vẫn cho phép xây các cơ sở sản xuất nhỏ, dẫn đến tranh mua, tranh bán nguyên liệu, khó khăn trong việc kiểm định chất lượng chè.
Ðể cây chè đặc sản phát triển bền vững và trở thành cây trồng giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, thời gian tới các địa phương cần thúc đẩy phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và chế biến; đào tạo, tập huấn cho nhân dân về sản xuất, thu hoạch và chế biến chè an toàn, bền vững; quy hoạch vùng sản xuất an toàn gắn với các cơ sở chế biến; phân vùng nguyên liệu tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất chè cần tích cực đổi mới thiết bị công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng giá trị và hiệu quả sản xuất chè…
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước có khoảng 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, công suất theo thiết kế khoảng 5,2 nghìn tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220 nghìn lao động. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến với dây chuyền, thiết bị hiện đại tạo ra các sản phẩm chè, chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.