Năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp nhiều khó khăn, bị tác động nặng nề sau những vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế với chính sách hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP và cho phép DN, nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã góp phần tích cực giúp thị trường có những dấu hiệu tích cực hơn.
Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng trong nhiều năm qua nếu không huy động vốn qua phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đã phải chịu nhiều gánh nặng, áp lực về vốn.
Ông Tùng Anh dẫn số liệu cho thấy trước khi suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có giai đoạn tăng trưởng mạnh vào 2018-2021 với tốc độ trung bình hàng năm vào khoảng 45%. Tại thời điểm đỉnh cao vào giữa năm 2022, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 14% GDP năm 2021 và 12% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2023, nhờ quy định lùi thời điểm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Nghị định 08, có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, huy động khoảng 237.400 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 236.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành sau thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực.
Để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn, chuyên gia của FiinRatings cho rằng nếu như trong điều kiện thông thường, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới từ phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu... để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, ông dự báo khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ khá khó khăn do thị trường vẫn cần thời gian để điều chỉnh và khôi phục niềm tin, nhất là với vấn đề nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp vẫn chưa được thực thi. Cùng đó, nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này không nhiều do phải ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn khoảng 14% để kiểm soát lạm phát.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn tốt và còn nhiều dư địa để phát triển.
Bộ trưởng cho biết, theo chiến lược, kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chiếm khoảng 25% GDP. Hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP, chủ yếu kênh phát hành từ ngân hàng thương mại. "Đây là mức thấp", ông Phớc đánh giá.
Dự báo về thị trường, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới theo hướng bền vững hơn. Từ năm 2017 đến năm 2023, thị trường trải qua 2 giai đoạn lớn của chu kỳ phát triển là phát triển nóng và điều chỉnh. Hiện nay thị trường đang bắt đầu vào giai đoạn thứ 3 là phục hồi.
Về quy mô, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, năm 2017, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 310.000 tỷ đồng thì đến cuối năm 2021, quy mô thị trường đã tăng lên gần 1.469.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,73 lần. Ở giai đoạn này, đặc biệt là năm 2021, vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được khẳng định rất rõ ràng trong hoạt động chung của toàn bộ thị trường tài chính cũng như nền kinh tế, vì đến thời điểm đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mới lên tới 746.000 tỷ đồng, tương đương với 60% tổng dư nợ tín dụng do các ngân hàng cung cấp ra thị trường và vượt trội hơn rất nhiều so với quy mô phát hành mới trên thị trường cổ phiếu, chỉ dưới 100.000 tỷ đồng trong cùng năm.
Tiến Hoàng