Thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 trong hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng về những trận chiến vang dội một thời khói lửa và gửi lời nhắn nhủ tới thế hệ mai sau.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể về những trận chiến vang dội một thời khói lửa.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể về những trận chiến vang dội một thời khói lửa.

Phóng viên:  Ngày 03/4/1975 là kết quả của chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 với chiến thắng oanh liệt trước sự quyết tâm, ý chí chiến đấu sắt đá cùng sự đồng lòng của quân và dân ta. Thưa Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, có thể kể lại những giây phút lịch sử của dân tộc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân đội ta?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: 60 năm đời binh nghiệp, tôi tự hào được tham gia bốn chiến dịch lớn: Mậu Thân 1968, Đường 9 - Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972 và Mùa Xuân 1975. Kỷ niệm sâu sắc nhất là cuộc hành quân thần tốc trong chiến dịch mùa Xuân 1975.

Ngày 18/3/1975, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, tôi nhận lệnh hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào Đông Hà (Quảng Trị), làm dự bị cho giải phóng Huế - Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi vào tới Huế ngày 26/3, Huế đã được giải phóng. Ngày 29/3, tôi tới bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng được giải phóng. Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà, hành quân theo đường Trường Sơn, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trên đường hành quân tới đèo Ang Bun, chúng tôi nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua 15 W: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!” ký tên Anh Văn. Lệnh truyền xuống, anh em dù mệt cũng bừng lên khí thế, tiến vào Bình Phước, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.

Đêm 29/4, đến Búng (cách Lái Thiêu, Thủ Dầu Một khoảng 10km), chúng tôi phát hiện một ngôi nhà có mái lá, đang được thắp sáng bằng ánh đèn dầu. Chúng tôi dự đoán đây có thể là một cơ sở cách mạng, tôi và đồng chí Chính ủy Trịnh Văn Thư cùng đội trinh sát tiếp cận, phát tín hiệu “Hồ Chí Minh ba lần”. Một lát sau, có bà Má mở cánh cửa đáp lại 3 lần: “muôn năm” đúng mật khẩu của mặt trận. Tôi cho tổ trinh sát bố trí bảo vệ vòng ngoài, tôi và anh Trịnh Minh Thư chính ủy vào nhà. Trong nhà được bày một cái bàn đơn sơ, trên bàn có một chiếc đèn dầu đang được thắp sáng, lúc đó có em Phước và em Đức con má ngồi bên má. Tôi thưa Má; con là chỉ huy quân giải phóng, chúng con có nhiệm vụ theo trục đường 13, ngày mai 30 tháng 4 đánh qua Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình, và đánh chiếm bộ tư lệnh Tăng thiết giáp của địch ở Gò Vấp.

: Má Sáu Ngẫu ở Thủ Dầu Một cung cấp bản đồ và chỉ đường cho Trung đoàn 27 tiến vào Sài Gòn, tháng 4/1975.
 Má Sáu Ngẫu ở Thủ Dầu Một cung cấp bản đồ và chỉ đường cho Trung đoàn 27 tiến vào Sài Gòn, tháng 4/1975.

Nếu Má có thông tin thì giúp chúng con. Tôi đưa bản đồ chỉ huy cho Má nhìn, lúc đó Má đeo một kính trắng, Má xem và nói: Má không rành bản đồ này. Má vào trong buồng lấy ra một tấm bản đồ đô thành Sài Gòn, đã ghi các điểm địch phòng thủ. Má nói cách đây 5 cây số có trại Huỳnh Văn Lương có khoảng gần 2000 hạ sĩ quan ngụy và tên đại tá Hinh chỉ huy, sáng mai các con không cần đánh mà kêu hàng, nhanh chóng đánh qua quận lị Lái Thiêu, phải chiếm được cầu Vĩnh Bình, nếu không xe của các con sẽ không vào được nội đô. Tôi hỏi Má có con đường nào khác để vào Sài Gòn không? Má nói chỉ có cầu sắt Lái Thiêu: nhưng xe tăng không đi được chỉ có bộ binh đi được, tiếp đó Má nói sáng mai cả gia đình Má có em Phước 16 tuổi, em Đức 14 tuổi; tôi nói thưa Má các em còn nhỏ, ở đã có cô Hai Mỹ và Sáu Châu cùng đơn vị dẫn đường. Chúng con giải phóng xong Sài Gòn sẽ về thăm cảm ơn Má và đồng bào. Sau đó, chúng tôi về tổ chức trong đêm, 4 giờ 30 phút ngày 30 tháng tư bắt đầu đội hình tiến công theo kế hoạch.

Tôi đã đưa tiểu đoàn 5 vào Lái Thiêu trước, khi tiến công trên trục đường 13 đến ngã ba Lái Thiêu, ta bắn cháy 3 xe tăng và bắt sống  1 pháo 175 “vua chiến trường” . Đơn vị tiếp tục tiến công đến cầu Vĩnh Bình khoảng 9 giờ, đồng chí Hoàng Thọ Mạc đại đội trưởng xe tăng, xe bị hỏng, đồng chí xuống chỉ huy B40, B41 bắn cháy 3 xe, các hỏa lực bắn kiềm chế địch và chúng tôi đã chiếm được cầu Vĩnh Bình. Không may đồng chí Hoàng Thọ Mạc bị thương nặng và hy sinh, chúng tôi đưa đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe tăng và tiếp tục tiến công. 10 giờ  chúng tôi chiếm được bộ Tư lệnh thiết giáp quân ngụy và 13 căn cứ lục quân công xưởng, tiếp quản tổng y viện Cộng hòa (nay là bệnh viện 175). Sau đó bắt liên lạc với các đơn vị bạn để đánh tiếp mục tiêu trong nội thành Sài Gòn. Ngay sau giải phóng, báo quân đội nhân dân đã đăng bài; Bà Má tham mưu của Trung Đoàn, sau đó nhạc sĩ Văn Thành Nho cũng đã phổ nhạc bài hát: Tấm bản đồ Má trao. Giữ lời hứa với Má, hôm sau chúng tôi đã tổ chức về thăm và cảm ơn Má và đồng bào. Dọc hai bên đường Lái Thiêu, đồng bào vẫy cờ hoa chào đón và tặng rất nhiều hoa trái.

Phóng viên:  Hàng năm, cứ đến ngày 30/4, với cá nhân Thượng tướng, ký ức nào trong số các trận đánh mà Thượng tướng từng tham gia, trận nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Trong sự nghiệp quân ngũ, tôi đã tham gia 67 trận, nhưng nhớ nhất là trận đánh tháng 4/1970. Khi đó tôi là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, Mặt trận B5. Nhận nhiệm vụ tiêu diệt một cụm cấp đại đội thuộc Lữ đoàn 1, Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ.

Lữ đoàn 1 áp dụng chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Abrams: ban ngày càn quét bằng phi pháo, xe tăng, xe bọc thép; ban đêm co cụm phòng thủ, biến xe tăng thành hỏa lực chi viện và có các công sự dã chiến được bao bọc bở hàng rào thép gai và lưới B40 chống hỏa lực. Nếu đánh theo lối thông thường, ta dễ mắc bẫy.

Nhận nhiệm vụ, tôi chọn chiến thuật luần sau, đánh phía sau và hai bên sườn. Lúc đó, tôi là Đại đội trưởng, đồng chí Di là chính trị viên, đồng chí Thuẫn là trung đội trưởng 1, đồng chí Viêm là trung đội trưởng 2, đồng chí Tam là trung đội trưởng 3. Chia làm ba mũi, nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của địch. Tổ chức  cán bộ, chiến sĩ trang bị gọn nhẹ, hành quân dọc sông Cam Lộ, tránh để lộ dấu vết. Bốn ngày đêm bám sát địch, cả đơn vị chỉ ăn lương khô, uống nước lã, sức khỏe giảm sút. Đêm 4, rạng mùng 5/4/1970.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khi đó là Đại đội trưởng (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội bàn chiến thuật để tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị) tháng 4/1970.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khi đó là Đại đội trưởng (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội bàn chiến thuật để tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị) tháng 4/1970.

Đêm 4/4, chúng tôi nghe tiếng pháo cối địch, đoán vị trí bộ binh cơ giới. Đến 22h, qua ánh sáng pháo sáng, Đại đội 2 phát hiện ba cụm cơ giới Mỹ. Nhận định cụm Sáp Đá Mài là sở chỉ huy địch, tôi quyết định tập trung tiêu diệt cụm này.

Sau trinh sát, tôi xác định cụm chỉ huy gồm 16 xe tăng bố trí hình vòng cung, nhiều nhà bạt, cột ăng-ten. Đơn vị chia ba mũi áp sát. 3h15 sáng 5/4, các mũi vào vị trí. 3h40, tôi cùng tổ luồn sâu tiếp cận sở chỉ huy địch, cách 15m thì lệnh đồng chí khoét, xạ thủ B41 nổ súng. Hai quả B41 bắn cháy xe chỉ huy, cả đại đội lập tức xung phong. Trận đánh diễn ra ác liệt, 16 xe tăng địch bị bắn cháy và tiêu diệt, làm chủ trận đánh. 

Gần sáng, tôi và chính trị viên lệnh rút từng tổ nhỏ, phân tán để bảo toàn lực lượng. Đại đội 2 đã góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng” của Abrams. Sau trận này, đơn vị và cá nhân tôi được khen thưởng. Sau trận đánh, tôi được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 3 chủ công của trung đoàn 27, mặt trận B5.

Phóng viên trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.
Phóng viên trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Phóng viên: Thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay và mai sau, Thượng Tướng có gửi gắm, nhắn nhủ những gì thông điệp nào gửi đến thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, trách nhiệm với đất nước?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Trước tình hình thế giới phức tạp, Việt Nam phải chủ động dự báo từ sớm, từ xa, giữ thế chủ động chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, lấy thế trận lòng dân làm nền tảng, thắng địch bằng trí tuệ và sức mạnh tổng hợp trong thời kỳ hội nhập.

Thế hệ trẻ cần kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Bảo vệ Tổ quốc không chỉ trong chiến tranh mà ngay từ thời bình, phải chuẩn bị từ xa, làm chủ khoa học, công nghệ, góp phần đưa đất nước phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu như lời Bác Hồ dặn dò.

Hơn hết, thế hệ trẻ phải thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trân trọng những hy sinh của cha ông trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiếp nối truyền thống kiên cường dựng nước và giữ nước.

Tác giả chụp ảnh cùng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.
Tác giả chụp ảnh cùng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Phóng viên: Sau 50 năm, đất nước thống nhất, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong tất cả các lĩnh vực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao. Thượng tướng đánh giá quan điểm về sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay sau 50 năm giải phóng?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của TP.HCM sau 50 năm giải phóng, khẳng định thành phố đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế, trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước. Từ một đô thị trải qua chiến tranh, TP.HCM đã không ngừng đổi mới, xây dựng hạ tầng hiện đại, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao, đồng thời giữ vững vai trò là trung tâm giao thương quốc tế. Bên cạnh những thành tựu kinh tế, thành phố còn chú trọng đến phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng TP.HCM cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giải quyết các thách thức như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh trật tự và an sinh xã hội để phát triển bền vững, xứng đáng là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á.

 Xin cảm ơn Thượng tướng!

SƠN THỦY - ĐỨC THỌ