Khi lãi suất cho vay và huy động có xu hướng ổn định ở mức thấp, các ngân hàng buộc phải tìm kiếm những nguồn thu khác ngoài việc thu lãi từ hoạt động tín dụng truyền thống. Thu nhập ngoài lãi trở thành một lựa chọn chiến lược, không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thu mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào lãi suất biến động. Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm và dịch vụ phi tín dụng, như dịch vụ thanh toán điện tử, tư vấn đầu tư, và các sản phẩm bảo hiểm, nhằm tăng cường thu nhập ngoài lãi.
Theo thống kê kết quả kinh doanh từ 29 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận kết quả khởi sắc khi tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 161.600 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả tích cực này, bên cạnh những đóng góp từ tín dụng khởi sắc, thì nguồn thu ngoài lãi tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của hoạt động ngân hàng nửa đầu năm 2024.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 được Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho thấy, nguồn thu ngoài lãi đạt những kết quả tích cực, có thể kể đến như: Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199,0% so với cùng kỳ năm.
Nếu chỉ tính riêng trong quý II/2024, phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng, cao hơn mức thu nhập của giai đoạn 2021 - 6 tháng đầu năm 2022, trước khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều thách thức; thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 384,5 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Techcombank cũng ghi nhận 1.420 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác, với mức tăng trưởng cao 33,8% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ lãi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu… Những kết quả này có đóng góp quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực từ hoạt động thu nhập ngoài lãi. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2024, thu nhập ngoài lãi của VIB đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và đóng góp vào 22% tổng doanh thu.
Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro đóng góp 500 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, hoạt động ngoại hối cũng đóng góp mức tăng 330 tỷ đồng.
Thu nhập từ phí tăng 9%, với 2 sản phẩm chính là Thẻ tín dụng và Bảo hiểm, trong đó: thẻ tín dụng vượt mốc 750.000 thẻ lưu hành; chi tiêu thẻ tín dụng đạt kỷ lục mới, đạt gần 2,4 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm, tăng 42% với cùng kỳ.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), bên cạnh sự tăng trưởng của thu nhập lãi thuần, thu nhập từ dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng chứng kiến đà tăng khả quan khi đạt gần 1.700 tỷ đồng, nhờ sự đa dạng hóa dịch vụ, cũng như sự tăng trưởng về quy mô hoạt động.
Đáng chú ý, mảng kinh doanh giấy tờ có giá mang về lợi nhuận đáng kể khi kết thúc quý II, thu nhập từ mảng này tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho thấy, lãi trước thuế đạt hơn 2.560 tỷ đồng sau 6 tháng năm 2024, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước nhờ gia tăng các nguồn thu nhập ngoài lãi. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 6% so với cùng kỳ lên mức 3.568 tỷ đồng.
Dù cải thiện nhưng không thể phủ nhận hoạt động kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng hiện nay vẫn là thu nhập lãi thuần, phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng. Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh thu ngoài lãi tốt có những thời điểm sẽ là cứu cánh cho các ngân hàng nhất là giai đoạn tín dụng tăng chậm khiến thu nhập từ lãi thuần giảm như vừa qua.
Trong bối cảnh, hoạt động tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro, giới chuyên môn cho rằng, việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro, qua đó sẽ tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn. Đây cũng là xu hướng mà các ngân hàng đang hướng tới.
Tiến Hoàng