Thừa Thiên Huế: Xả nước thải vượt quy chuẩn, doanh nghiệp kiến nghị không xử phạt

Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế xác định nguồn xả nước thải vượt số lần quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Phong Điền kiến nghị không xử phạt vi phạm hành chính mà quy đổi bằng đóng góp quỹ phúc lợi cho địa phương.

Ngày 15/9, nguồn tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm rõ nguyên nhân nguồn nước gây ra cá tự nhiên ở các ao hồ, kênh mương... cạnh các nhà máy thuộc KCN Phong Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) chết hàng loạt. Qua đó, cũng nhận được văn bản kiến nghị giải trình của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế doanh nghiệp được xác định xả thải vượt quy chuẩn số lần kỹ thuật ra môi trường.

Khoảng 1 tấn cá tự nhiên chết nổi lềnh bềnh trên các ao hồ, kênh mương cạnh KCN Phong Điền.
Khoảng 1 tấn cá tự nhiên chết nổi lềnh bềnh trên các ao hồ, kênh mương cạnh KCN Phong Điền.

Theo đó, tại văn bản giải trình, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế cho biết, vào ngày 8/9/2021, Công ty làm việc với các ban ngành trực thuộc Sở TNMT tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, Phòng TNMT huyện Phong Điền.

Đoàn liên ngành đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với Công ty, tuy nhiên trong văn bản giải trình, Công ty lại cho rằng, nước thải xả ra "là nước thải thông thường, vô hại với môi trường". Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp này được đầu tư hiện đại và Công ty có chương trình giám sát môi trường với tần suất 3 tháng/lần theo quy định. Qua quan sát từ phía bên ngoài khu vực xả thải trong các tháng 6,7 và giữa tháng 8/2021, đây là khu vực cát nội đồng, nước cạn, chưa được nạo vét kênh mương, có nhiều trầm tích. Thời tiết nắng nóng kéo dài, kết hợp với lớp trầm tích bùn tích tụ lâu ngày làm cho tảo nở hoa. Ban ngày tảo quang hợp tiêu thụ cacbonic và thải khí oxy, tuy nhiên ban đêm thì ngược lại, tảo sẽ hô hấp lấy oxy thải khí cacbonic, gây cho các loài thủy sinh thiếu oxy vào ban đêm. Việc xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trong giữa tháng 8/2021 vừa qua cũng không loại trừ nguyên nhân này.

Công ty cho biết, là hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, nên đòi hỏi cao về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và đảm bảo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các lĩnh vực môi trường rất nhạy cảm và dễ gây bất lợi cho Công ty trên thị trường quốc tế.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế kiến nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành xem xét nhắc nhở thay vì xử phạt hành chính do các yếu tố môi trường vượt ngưỡng đối với Công ty. "Có thể cho Công ty chúng tôi đóng góp vào quỹ bảo vệ nguồn lợi, hoặc các đóng góp công ích khác cho huyện Phong Điền bằng số tiền phạt theo quy định", trong văn bản Công ty này đề xuất.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lấy mẫu, quan trắc nước thải đột xuất tại Nhà máy chế biến tôm đông lạnh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (chi nhánh Huế) đóng tại KCN Phong Điền.

Tại kết quả quan trắc nước thải sau xử lý của nhà máy vào hai thời điểm khác nhau cho thấy có 5/10 chỉ tiêu đo đạc, phân tích vượt giá trị nồng độ tối đa cho phép QCVN 11-MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản. Trong đó, có 2 chỉ tiêu là amoni tổng số (NH4+-N) và tổng nitơ vượt giới hạn rất nhiều lần. Cụ thể, NH4+-N vượt 15 lần và tổng Nitơ vượt 5,94 lần.

Bùi Quốc Dũng

Từ khóa:
#h