Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đã được chỉ đạo trước đó.
Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.
Đông thời chỉ đạo theo thẩm quyền các giải pháp phù hợp và đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2024.
Tại cuộc hội thảo mới đây, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho biết thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo, quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm, quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm, quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư,...Tính chất nghiêm trọng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm không chỉ gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng.
"Các thông điệp quảng cáo đang truyền tải vào nhận thức của công chúng như cam kết trị dứt điểm, không khỏi không lấy tiền, gia truyền, trị tận gốc, không lo tái phát sau 1 liệu trình, đẩy lùi mọi biến chứng đái tháo đường, đánh bay đái tháo đường type 1, type 2, dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, thần dược, 3 đời gia truyền, thần y…không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế", ông Đáng nhấn mạnh.
Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, nếu như năm 2000, ở Việt Nam chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, số liệu thống kê tại Cục An toàn Thực phẩm, năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỉ đồng. Năm 2021 có 28 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng và năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền là hơn 1,2 tỉ đồng./.
Bùi Quốc Dũng