Thức quà ăn kèm khi uống trà chuẩn vị ngày Tết

Ngày Tết nhiều gia đình có thói quen quây quần, tâm tình chuyện đầu năm bên ấm trà nóng hổi như một cách gìn giữ nếp nhà Việt. Thưởng thức một tách trà đượm vị thanh cao và nhấm nháp hương vị những món ăn đi kèm, thả hồn mình trong không gian tĩnh lặng của tiết trời ngày Tết sẽ khiến tâm tình thêm thăng hoa.

Các loại mứt cổ truyền

Thưởng trà - mứt là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực Tết cổ truyền dân tộc. Trên bàn trà của mỗi gia đình thường bày chút mứt Tết và ấm trà ngon thiết đãi khách quý.

Thưởng thức ly trà nóng hổi, nhâm nhi mứt ngọt lành, tâm tình dăm ba câu chuyện khiến ngày xuân đầu năm thêm ấm cúng.
Thưởng thức ly trà nóng hổi, nhâm nhi mứt ngọt lành, tâm tình dăm ba câu chuyện khiến ngày xuân đầu năm thêm ấm cúng.

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt để mứt đi chung với trà. Sau khi ăn một miếng bánh ngọt, người ta lại thèm một chút đắng chát ban đầu của trà để làm dịu đi, hương vị đọng lại cuối cùng là vị ngọt hậu của trà, của mứt.

Mỗi búp trà kết tinh tinh hoa của đất trời, qua bàn tay của người trồng nâng niu chăm sóc, bàn tay của những người nghệ nhân sao trà, ướp trà trở thành thứ đồ uống đậm vị. Thưởng trà không dành cho người vội vã. Tết chính là khoảng thời gian để mỗi người từ từ cảm nhận vị trà, từ đắng đến chát và cuối cùng đọng lại vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi.

Cùng với trà, mứt Tết không chỉ là những món ăn chơi mà còn ấp ủ những mong ước cho một năm mới tốt lành, mọi điều viên mãn.

Kẹo lạc

Một món kẹo truyền thống rất hợp với nước trà chính là kẹo lạc.
Một món kẹo truyền thống rất hợp với nước trà chính là kẹo lạc.

Thanh kẹo lạc giòn tan, có mùi vị bùi béo và thơm của lạc, vừng. Ăn đến đâu liền cảm thấy vị ngọt dịu, mát thanh của đường và mạch nha đến đấy. Thế nên dẫu ngày này bánh kẹo truyền thống có dần mất vị thế trước cơn bão bánh kẹo ngoại ồ ạt thì kẹo lạc vẫn có chỗ đứng riêng, vẫn xuất hiện từ quán cóc vỉa hè đến phòng khách gia đình.

Cái ngọt nét của thanh kẹo làm át cái chát nồng của của trà, và chính vị chát ấy lại giúp xoa dịu vị sắc đến khé cổ của mật mía, khiến cặp đôi này trở nên vô cùng xứng hợp. Kẹo lạc và trà xanh thường xuyên “sánh đôi” với nhau trong những hàng quán dân giã. Uống cốc trà mà thiếu kẹo lạc cứ thấy hụt hẫng, thiếu đi một thứ gì đó thân thuộc và đã ngồi hàng nước chỉ gọi thanh kẹo lạc sẽ thấy nhớ da diết vị chát nồng của trà xanh.

Hạt bí, hạt dưa

Hạt bí hay hạt dưa đều là các loại hạt lấy từ quả cây, đem rửa sạch, phơi khô rồi rang lên
Hạt bí hay hạt dưa đều là các loại hạt lấy từ quả cây, đem rửa sạch, phơi khô rồi rang lên

Hạt dưa thường được sử dụng chủ yếu cùng với trà trong những ngày tết. Hạt bí hay hạt dưa đều là các loại hạt lấy từ quả cây, đem rửa sạch, phơi khô rồi rang lên. Nhiều nơi còn nhuộm màu hạt cho đẹp, hoặc rang với húng lìu để tạo vị ngòn ngọt thơm ngon. Trong những buổi tiếp chuyện, bàn luận cùng bạn bè thì bên cạnh ấm trà nếu có thêm đĩa hạt bí, hạt dưa. Chủ khách cùng nhau vừa thưởng trà, vừa tí tách cắn hạt, khiến cho không khí bỗng trở nên thật thân thiện, cởi mở.hơn rất nhiều.

Ô mai

Thức quà dân dã này đã trở thành một “chất nghiện” của người dân Việt.
Thức quà dân dã này đã trở thành một “chất nghiện” của người dân Việt.

Ô mai có hàng trăm loại rực rỡ sắc màu: nâu bóng, đỏ tươi, xanh mát mắt, ươm vàng màu nắng… với đủ loại hương vị nhưng không hề hòa lẫn vào nhau; đủ chua, cay, mặn, ngọt. Vị nào cũng toát lên cái chất tinh túy riêng của mình, khách chỉ ngửi thoáng qua cũng đã thấy tê tê, say say đầu lưỡi.

Trái ô mai nhỏ xinh không thể ăn một cách vội vã, mà cứ khoan thai, chậm rãi hít hà hương thơm sánh quyện của trái chín lên men. Đến khi hương thơm ắp đầy cánh mũi, mới khẽ ngậm từng trái ô mai trong miệng, cảm nhận chất vị đậm đà của lớp phấn trắng tinh bám đầy quanh trái đang tan ra. Vừa thưởng thức phần thịt quả, lại vừa cầm ly trà uống, rồi cắn nhẹ hạt ô mai nhỏ xíu để nếm vị nhân bùi bùi ngầy ngậy. Hương vị này có lẽ sẽ khiến ta không thể quên.

Văn Chung