Thưởng trà của người Huế - Nghệ thuật thưởng trà phong vị xưa

Uống trà là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Mỗi vùng miền lại có một phong thưởng trà riêng, trong đó người Huế thưởng trà cung đình có phần đặc biệt hơn. Không chỉ đơn giản là một thứ thức uống mà việc thưởng thức trà cung đình Huế còn là một nghệ thuật.

Người Huế xem thưởng trà là một môn nghệ thuật
Người Huế xem thưởng trà là một môn nghệ thuật

Thưởng trà phong cách Huế xưa

Với người Huế, uống trà được xem như một môn nghệ thuật giàu trí tuệ. Người ta đánh giá tính cách, quan niệm sống, nhận thức thẩm mỹ cũng như tâm trạng, tình cảm của con người qua cách uống trà. Uống trà không chỉ thưởng thức hương vị của nó mà họ còn lưu tâm đến nội dung cuộc mạn trà và nét đẹp trong phương thức thưởng trà.

Cũng như nhiều quốc gia uống trà khác trên thế giới, thú uống trà của người Huế có xuất phát từ cung đình. Từ cung đình ra dân gian, tính chất nghi lễ giảm dần nhưng cái hồn của thú thưởng thức trà vẫn được giữ nguyên, bạn bè uống cùng nhau chén trà để tăng thêm tình thân thiết. 

Dẫu không uống tại lầu son, gác tía như các bậc vua chúa, quan quyền xưa nhưng trong không gian đơn sơ, dân dã, chén trà vẫn được chủ nhân nâng hai tay mời bạn, khách và chủ đều tôn trọng nhau, chén trà vì thế vẫn nặng tình, nặng nghĩa.

Người Huế uống trà như là một hình thức lễ nghi, dẫu uống một người (độc ẩm), hai người (đối ẩm), ba người, bốn người hay nhiều người (quần ẩm) thì mọi thao tác vẫn được giữ nguyên, kể cả những cung cách pha trà, rót trà, nâng ly trà. Người Huế thưởng trà biểu hiện lối ứng xử, giao tiếp ân tình giữa người với người. Một cuộc trà là dịp gặp gỡ để đàm đạo văn chương, luận bàn thế sự, hàn huyên tâm sự.

Nghệ thuật trong từng chi tiết

Tinh tế, tỉ mỉ của người Huế được đưa vào trong nghệ thuật thưởng trà
Tinh tế, tỉ mỉ của người Huế được đưa vào trong nghệ thuật thưởng trà

Một cuộc thưởng trà phong cách Huế phải hội đủ các yếu tố: đồ trà, trà và nước, pha trà và tuần trà.

Đồ trà: Dụng cụ cần thiết cho một cuộc trà bao gồm hỏa lò, siêu nấu nước, hũ đựng nước lạnh, ấm trà và bộ đồ trà hoàn chỉnh có đủ bốn món: dầm (dĩa bàn nhỏ đựng chén tống), bàn (dĩa đựng những chén quân), tống (còn gọi là chén tướng, là loại chén lớn để chuyên trà), tốt (hay gọi là quân, chén nhỏ để uống), chiếc ấm đất, hũ đựng trà, than củi, trầm hương. 

Lưu truyền rằng vua quan nhà Nguyễn đã từng sai người sang Trung Quốc đặt làm những bộ đồ trà nổi tiếng bằng men sứ lam. Bởi trong cái thú uống trà còn có cái thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp nét bút tài hoa trên ấm chén, bình thơ văn và nghiền ngẫm sự tích lưu lại. Ở Huế có bộ đồ trà nổi tiếng, đó là đồ trà Mai Hạc. Bộ đồ uống trà làm bằng sứ men lam, có vẽ hình con chim hạc đứng bên gốc mai già.

Chỉ cần nghe tới từ cung đình Huế thôi là đã đủ biết để có một ấm trà không hề đơn giản. Nguyên liệu pha trà tất nhiên là phải có trà và nước. Ngoài ra tùy theo từng vị trà để thêm các thành phần hoa, quả hay các loại thuốc khác nhau.

Chỉ riêng hai nguyên liệu đơn giản này cũng đã có hàng ngàn trang viết. Sự cầu kỳ, công phu ở đây không bút mực nào tả xiết, từ việc hái chè xanh ở hướng nào, giờ nào, cách ngắt ngọn ra sao, người thiếu nữ hái chè để móng tay dài bao nhiêu, cho đến việc ngâm tẩm, phơi, sao khô là cả những quy trình nghiêm ngặt. 

Nước để pha trà cũng có những câu chuyện dài, nước mưa hứng từ đâu, nước giếng thì giếng phải sâu như thế nào, nước suối thì lấy ở đoạn nào: đầu nguồn, giữa nguồn hay cuối nguồn... Sự công phu ấy cho thấy trà không đơn thuần là một thức uống mà người ta đã lồng vào đó bao công sức và tâm huyết để nâng lên thành một nghệ thuật. 

Pha trà: Nước phải được đun sôi ở dạng sủi tăm không để nước sôi quá già. Khi đó nước sẽ làm cho trà bị nồng, giảm hương thơm đặc trưng. Nước quá non sẽ không đủ đảm bảo trà tiết ra được đủ chất, đủ vị. Sau đó tùy từng loại trà mà thêm các thành phần hoa, hay quả hoặc một vài thứ lá cây quý nào đó và

Tiếp đến là tuần trà và thưởng trà: Bước vào cuộc trà, chủ nhà ngồi về bên phải để tiện việc pha trà và khách được xếp ngồi ở bên trái. Khi mời trà, người ta rót trà từ chén tống ra chén quân, nâng chén bằng cả hai tay, một lòng bàn tay ôm hờ lấy chén, tay kia đỡ dưới đáy chén, thành tâm mời khách. Khách trà đặt chén vào giữa hai lòng bàn tay úp vào nhau, các ngón tay đưa về phía trước, tạo thành hình một búp sen vô cùng đẹp. Khi uống trà, cổ tay xoay vào để mu bàn tay và tách trà che miệng thể hiện sự lịch sự, tôn trọng người đối diện

Uống trà là thú vui thanh đạm mà cầu kỳ của người Huế xưa. Không đơn thuần là uống trà, mà đó còn là nghệ thuật, là văn hóa thưởng. Tinh tế trong từng chi tiết nhỏ, người uống trà cũng phải có một tâm hồn nhẹ nhàng, luôn hướng đến những vẻ đẹp của đất trời, của con người thì mới thẩm thấu hết hương vị của chén trà.

Thú vui uống trà bây giờ đã trở nên phổ biến trong đời sống của nhiều người dân Huế từ già đến trẻ. Ý nghĩa cuối cùng của thú uống trà mà nhiều người đã chiêm nghiệm và thu nhận lại cho chính mình, làm giàu có đời sống tinh thần của bản thân và cũng là của vùng đất Huế. Đó cũng là lí do vì sao người Huế, trải qua bao thăng trầm của thời đại, vẫn giữ lấy cho mình nghệ thuật trà giản dị mà an nhiên này.

Thư Trà