Tìm chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, với quy mô dự báo đạt 180 tỷ USD trong 3 năm tới. Đây được xem là cơ hội lớn dành cho các DN sản xuất, cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, để có thị phần tại thị trường này là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản…

Kết nối cung cầu hàng hóa 

Tại hội thảo “Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào siêu thị và các kênh phân phối” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009 đã đạt kết quả ấn tượng sau 12 năm triển khai thực hiện.

Theo đánh giá của đại diện Bộ Công Thương, việc kết nối cung cầu hàng hóa là một trong các giải pháp quan trọng, góp phần không nhỏ vào những thành công của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Một số gian hàng tiêu biểu tham gia Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2021.
Một số gian hàng tiêu biểu tham gia Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2021 - Ảnh: Lao động thủ đô.

Thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa từ Trung ương đến địa phương, từ cấp vùng miền, quốc gia đến cơ sở, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, lên đến 90% tại các siêu thị sở hữu của các doanh nghiệp trong nước và trên 70% tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Không dễ dàng với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong giai đoạn 2016-2020, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, tuy còn mới mẻ, nhưng không ít tiềm năng bởi đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Những dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng, cung cấp nguồn cung dồi dào cho các kênh phân phối.

Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại như: MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Coopmart…

Nhiều sản phẩm OCOP được kết nối vào kênh phân phối hiện đại
Nhiều sản phẩm OCOP được kết nối vào kênh phân phối hiện đại - Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, thực tế, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã…

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối, tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ để đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng thông tin, vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay có thể đưa hàng hóa vào siêu thị và các kênh phân phối chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm.

Tuy nhiên, để có được thị phần là chuyện không dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm muốn tìm một chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ kỳ vọng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ tiếp cận và kết nối, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cần chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững tại doanh nghiệp

Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững rất quan trọng với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market, chuỗi sản xuất – tiêu thụ sẽ là giải pháp ổn định đối với người nông dân giúp hàng hoá được tiêu thụ với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Mặt khác được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật để yên tâm sản xuất.

Còn với doanh nghiệp, có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. “Như vậy, bài toán về chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường được giải quyết”, bà Nga nhận định.

Công nhân Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm thu hái chè nguyên liệu.
Công nhân Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm thu hái chè nguyên liệu - Ảnh: Báo Tuyên Quang.

Trong những năm vừa qua, hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản (cụ thể là chè) phát triển mạnh, bước đầu đạt kết quả tốt, tạo được mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và kinh doanh, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn nguồn nước và bảo vệ môi trường hiệu quả.

Tại HTX dịch vụ nông nghiệp nông thôn Ðông Lĩnh, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là một trong những điển hình về việc các hộ dân cùng liên kết phát triển và xây dựng thương hiệu chè. HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè với diện tích 20 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 10 tấn chè búp tươi.

Ông Trần Văn Ba, Phó Giám đốc HTX, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè xanh Dốc Ðen chia sẻ, trước đây người dân sản xuất chè tự phát, chủ yếu trồng những giống chè cũ, cho nên thu nhập thấp, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Ðến năm 2006, làng nghề sản xuất, chế biến chè Dốc Ðen chính thức được công nhận. Từ đó, HTX đã tổ chức cho các hộ học tập kinh nghiệm tại một số đơn vị sản xuất chè có uy tín; mở các lớp tập huấn quy trình sản xuất chè sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sản phẩm chè xanh Dốc Ðen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; chứng nhận nhãn hiệu tập thể, các hộ ngày càng chú trọng quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị và hiệu quả kinh tế của cây chè được nâng lên rõ rệt.

Tại Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm thành lập tổ sản xuất chè an toàn theo từng nhóm hộ có diện tích chè gần nhau. Các thành viên tổ sản xuất chè an toàn phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do công ty đề ra, được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoàn trả tiền vật tư nông nghiệp thông qua sản phẩm chè búp tươi. Công ty hướng dẫn cho người nông dân quy trình chăm sóc, thu hái, bố trí cán bộ làm công tác khuyến nông tại các tổ sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của các tổ sản xuất,... Công ty cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng riêng cho chè theo tiêu chuẩn EU. Hiện nay, công ty có 10 tổ với khoảng 500 hộ dân tham gia. Sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, làm tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất, thị trường mở rộng và ổn định. Công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn lớn trên thế giới. Sản lượng sản xuất của công ty đạt 2.050 đến 2.300 tấn/năm, được xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.