Tìm hiểu công dụng của các loại trà cụ

Trong nghệ thuật thưởng trà, bên cạnh trà ngon, cách pha trà điệu nghệ, thì dụng cụ pha trà (trà cụ) cũng là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của nghệ thuật tinh tế này.

Văn hóa trà từ lâu đã trở thành truyền thống của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là phương Đông trong đó có Việt Nam ta. Trong nghệ thuật thưởng trà Việt, bên cạnh trà ngon, cách pha trà điệu nghệ, thì dụng cụ pha trà cũng là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của nghệ thuật tinh tế này. Để có những tách trà thơm ngon thì không thể không nhắc đến những dụng cụ pha trà trên bàn trà. Một bàn trà đầy đủ bao gồm nhiều loại trà cụ khác nhau. Trên bàn trà những dụng cụ uống trà thường thấy là ấm trà; tống; chén; khay trà; hũ đựng trà, lọc trà, kháo trà, bộ dụng cụ gắp, lót ly… Dù là người mới thưởng trà hay những người thưởng lâu năm. Đối với trà cụ chúng là vật thiết yếu nhưng đừng quá cầu kỳ đi theo một khuôn mẫu nào cả, vì trên hết là tâm mình luôn hướng về trà.

Tìm hiểu công dụng của các loại trà cụ  - Ảnh 1

 Dụng cụ pha trà đã có nhiều biến chuyển nên được thay đổi qua các thời đại và ngày càng đẹp, tinh tế hơn so với lúc ban đầu. Việc lựa chọn trà cụ còn tùy thuộc vào sở thích riêng của từng người, đây được xem là cả một nghệ thuật như người ta thường hay nhắc đến: Nghệ thuật trà cụ.

Ấm trà

Ấm trà (ấm pha) là trung tâm của bàn trà, chuyên dùng cho việc pha trà. Trà cụ này thường được phân loại theo chất liệu (gồm ấm sành, ấm sứ, ấm thủy tinh, ấm đất, ấm tử sa…) và phân loại theo người uống (gồm ấm độc ẩm, ấm trà quần ẩm, ấm trà song ẩm)

Những chiếc ấm trà sử dụng trong trà đạo thường có kích cỡ nhỏ hơn so với các loại ấm bình thường. Do đó, khi hãm trà cần cân nhắc về thời gian và số lượng người uống để pha được lượng trà hợp lý. Ấm tử sa được giới uống trà ngưỡng mộ và được đánh giá cao để có được những chén trà ngon.

Vỏ ấm cứng, ít thẩm thấu, cầm ấm lên gõ nhẹ vào thành ấm nghe tiếng phát ra càng trong càng quý. Nắp ấm phải kín, càng giảm thoát hơi nước, càng giữ trà ấm lâu và ít làm thoát đi mùi hương của trà.

Chén trà

Chén trà cũng có 2 loại chén khác nhau: 1 là chén tống, 2 là chén quân

Mỗi một bộ trà cụ thường sẽ có một chén tống, còn số lượng chén quân tương ứng theo phong tục riêng của từng vùng miền. Ở miền Bắc, 1 chén tống thì 4 chén quân còn ở miền Nam thì nhất tống tam quân. Hiện nay, để đảm bảo sự thuận tiện, người ta thường dùng 1 chén tống và 6 chén quân.

Chén tống (đọc trại âm từ chén tướng) hay còn gọi là chén công đạo, thường được làm bằng thủy tinh, gốm, sứ và có dung tích lớn hơn ấm pha trà, dùng để chứa lượng nước được rót ra từ ấm sau mỗi lần hãm trà. Dụng cụ này giúp vị trà được dung hòa với nhau trước khi chia ra các chén, tránh chỗ nhạt chỗ đậm để mọi người đều thưởng được vị ngon như nhau. Ngoài ra, trà cụ cụ này còn giúp giảm nhiệt độ trà, để người thưởng trà có thể thẩm được hương vị trà trọn vẹn nhất.

Chén quân hay còn gọi là chén khách, tùy theo số lượng người, tùy theo từng loại trà và gu thẩm mỹ để lựa chọn. Chén quân được chia thành 2 loại: Chén thưởng hương và chén thưởng vị. Chén thưởng hương có đáy sâu, miệng nhỏ, dùng để thưởng mùi hương của trà. Chén thưởng vị có đặc trưng là miệng chén rộng và đáy nông, dùng để thưởng thức sắc và vị của trà.  Nóng thẩm hương, nguội thẩm vị

Bên cạnh đó, bộ chén trà còn được chia ra thành 4 loại sử dụng cho 4 mùa đó là xuân ẩm, hạ ẩm, thu ẩm và đông ẩm. Đặc điểm của chén trà xuân thu là không lớn cũng không nhỏ, không dày cũng không mỏng. Trong khi đó, chén hạ ẩm có thành chén mỏng để trà mau nguội hơn và chén đông ẩm có lòng chén sâu, thành chén dày để giữ nhiệt tốt hơn.

Tìm hiểu công dụng của các loại trà cụ  - Ảnh 2

Chiếu trà

Chiếu trà hay khay trà dùng để chứa chén tống và chén quân giúp giữ sạch bàn trà và tăng tính thẩm mỹ. Ngoài ra, bạn nên chọn khay có chất liệu bền, dễ vệ sinh, không có quá nhiều chi tiết cầu kỳ gây rối mắt, thiếu tinh tế.

Lọc trà

Lọc trà là dụng cụ uống trà rất quan trọng trong việc thưởng trà, có tác dụng lọc cặn xác trà nhỏ để nước trà được trong và đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, đối với phong cách pha trà truyền thống của Việt Nam thì không dùng lọc mà rót hẳn nước trà có lẫn cặn trà vào trong tống luôn.

Hũ đựng trà

Người thưởng trà chuyên nghiệp thường cầu kỳ thích chọn hũ đựng trà bằng đất nung, tuy nhiên tùy điều kiện bạn có thể chọn hũ đựng trà bằng nhôm, thiếc, thủy tinh sao cho phù hợp. Hũ đựng trà ngoài việc phải đảm bảo kín hơi, còn phải hạn chế được ánh sáng trực tiếp chiếu vào, vì đó là nguyên nhân khiến trà giảm hương vị.

Kháo trà

Kháo trà là một chiếc bát lớn vừa phải dùng đựng nước sôi để vệ sinh và làm nóng các các dụng cụ trước khi pha trà, đồng thời bỏ nước tráng trà và bả trà sau khi dùng xong.

Nếu sử dụng bàn trà có khay chứa nước ở bên dưới thì có thể không cần sử dụng dụng cụ này, mà thao tác trực tiếp trên bàn trà.

Ấm đun nước

Ấm đun nước sử dụng trong pha trà có thể bằng kim loại hoặc ấm điện. Tuy nhiên, chất liệu thường được sử dụng nhất để chế tác ấm đun nước dùng trong pha trà là đồng.

Ấm đồng có tác dụng làm nước mềm, khử flo, canxi, các loại tạp chất trong nước khi pha trà. Ngoài ra đồng còn là chất giúp diệt khuẩn tự nhiên nên rất an toàn cho sức khỏe, là yếu tố để quyết định độ ngon của những chén trà.

Bộ dụng cụ lấy trà

Muỗng trà (nong trà): Dùng để trộn lấy các lá trà cho vào trong ấm trà một cách thuận tiện và hợp vệ sinh.

Gắp trà (kẹp trà): Là dụng cụ dùng để gắp chén trà trong quá trình rửa và chần chén qua nước nóng để tránh bỏng và hợp vệ sinh. Ngoài ra nó còn giúp kẹp lấy các lá trà ra khỏi ấm.

Phễu trà: Dùng để đặt trên miệng ấm trà, để cho trà vào trong ấm không bị rơi ra ngoài.

Hương Trà

Từ khóa: