Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 7/2024 Việt Nam xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 19.371 tấn, tiêu trắng đạt 2.400 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2024 đạt 129,9 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 112,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 17,7 triệu USD, so với tháng 6 lượng xuất khẩu giảm 22,7%, kim ngạch giảm 7,9% và so cùng kỳ tháng 7 năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 43,7%, kim ngạch tăng 128,9%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 7 đạt 5.861 USD/tấn (tăng 15,7% so với tháng trước); giá xuất khẩu bình quân tiêu trắng đạt 7.558 USD/tấn tăng 9,2% đối với tiêu trắng so với tháng trước.
Tính chung, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 164.357 tấn, trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 652,0 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,2 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 2,2% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng lần lượt 32,7% đối với tiêu đen và 25,0% USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VPSA, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong khi các thị trường khác lại tăng mạnh từ hai đến ba con số. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 7 tháng tăng 48,4% và chiếm 26,4% thị phần đạt 43.349 tấn. Tiếp theo là các thị trường: Đức đạt 10.941 tấn, tăng 97,3%; UAE đạt 10.897 tấn, tăng 39,2%; Ấn Độ đạt 8.744 tấn, tăng 39,7%; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 4 đạt 8.059 tấn, so cùng kỳ giảm 84,6%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu bao gồm: Olam Việt Nam đạt 15.967 tấn, tăng 56,3%; Phúc Sinh đạt 13.780 tấn, tăng 50,9%; Nedspice Việt Nam đạt 12.235 tấn, tăng 14,5%; Haprosimex JSC đạt 11.841 tấn, tăng 68,3% và Trân Châu đạt 10.039 tấn, giảm 9,3%… Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu ấn tượng như Simexco Đắk Lắk đạt 8.229 tấn, tăng 227,1%; Sinh Lộc Phát tăng 144,5%; Ottogi Việt Nam tăng 138,2%; Imtex Việt Nam tăng 136,5%; Hanfimex tăng 121,3%; Intimex Group tăng 115,2%…
Đại diện của VPSA cho biết, năm 2024 nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo, nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn vẫn còn đủ dùng là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua hạt tiêu từ Việt Nam. Ngoài ra, mức tăng giá hạt tiêu tại thị trường nội địa không như kỳ vọng do nhu cầu thấp từ thị trường Trung Quốc. Hiện giá hạt tiêu tại thị trường Trung Quốc đang thấp hơn giá tại Việt Nam có thể là nguyên nhân chính của việc hạn chế nhập khẩu. Theo nhận định của giới chuyên gia, dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ tiếp tục được ghi nhận trên thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển, khiến giá tăng trong trung và dài hạn.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc,Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc (sau Indonesia) trong nửa đầu năm nay với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 32,7%, giảm so với mức 36,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ được hưởng về giá trong thời gian tới do nguồn cung khan hiếm. Điều này cũng có thể mở ra cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần, củng cố vị thế hơn nữa tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu.