Mầm dinh dưỡng gồm: Mầm đỉnh, mầm nách, mầm ngủ và mầm bất định (ở cổ dễ)
Phía bên trái: 1. Lá vẩy ốc, 2. mầm lá cá, 3. mầm lá thật, 4. Mầm nách, 5. Điểm sinh trưởng.
Phía bên phải: 1. Lá vẩy ốc, 2. Mầm lá cá, 3. Mầm lá thật, 4. Mầm nách thứ 4, 5. Mầm nách thứ 5, 6. Là điểm sinh trưởng.
Mầm đỉnh: Loại mầm này ở vị trí trên cùng của cành, tiếp tục phát triển trên trục chính của các cành năm trước, hoạt động sinh trưởng mạnh và thường có tác dụng ức chế sinh trưởng của các mầm phía dưới nó (ưu thế sinh trưởng ngọn). Trong một năm, mầm đỉnh hình thành búp sớm nhất cùng với thời kỳ bắt đầu sinh trưởng mùa xuân của cây. Búp được hình thành từ các mầm đỉnh là các búp đợt một, có thể là búp bình thường hoặc búp mù.
Mầm nách: Trong điều kiện sinh trưởng tự nhiên, phần lớn chúng ở trạng thái nghỉ do sự ức chế của mầm đỉnh. Khi hái các búp đỉnh, mầm nách phát triển thành búp mới. Tùy theo vị trí của lá ở trên cành, khả năng phát triển thành búp, và chất lượng búp ở các nách lá là rất khác nhau. Những mầm ở nách lá phía trên thường hoạt động sinh trưởng mạnh hơn, do đó cho búp có chất lượng tốt hơn các mầm ở nách lá phía dưới. Những búp được hình thành từ mầm nách của các lá năm trước gọi là búp đợt một, có thể là búp bình thường hoặc búp mù.
Mầm ngủ: Là những mầm nằm ở các bộ phận đã hóa gỗ của các cành một năm hoặc già hơn. Những mầm này kém phân hóa và phát triển hơn hai loại mầm trên, cho nên sự hình thành búp sau khi cắt (đốn) đòi hòi một thời gian dài hơn. Kỹ thuật cắt (đốn) lửng hay đau đều có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của mầm ngủ, tạo nên những cành chè mới, có giai đoạn phát dục non, sức sinh trưởng mạnh. Búp được hình thành từ mầm ngủ có thể là búp bình thường hoặc búp mù.
Mầm bất định: Vị trí của loại mầm này không cố định trên thân cây chè, thường nằm ở sát cổ dễ. Nó chỉ phát triển thành cành lá mới khi cây chè được cắt (đốn) trẻ lại. trong trường hợp ấy cành chè tựa như mọc ở dưới đất lên. Búp được hình thành từ các mầm bất định cũng có hai loại: búp bình thường hoặc búp mù.
Mầm sinh thực: Mầm này nằm ở nách lá, bình thường mỗi nách là có hai mầm sinh thực nhưng cũng có trường hợp số mầm sinh thực nhiều hơn và khi đó ở nách lá có một chùm hoa, các mầm sinh thực cùng với mầm dinh dưỡng phát sinh trên cùng một trục, mầm dinh dưỡng ở giữa, mầm sinh thực ở cạnh.
Hoàng Tuấn