Chè tươi
Chè tươi hay trà tươi là món nước trà đơn giản nhất và có lẽ cổ nhất nhân loại. Hiện nay, trà tươi là món uống được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam nên càng chứng tỏ Việt Nam là quê hương của trà, là dân tộc biết dùng đầu tiên. Tục uống trà tươi có lẽ đã xuất hiện từ thời thượng cổ. Chúng ta không có truyền thuyết về lịch sử cây trà, điều đó có thể được hiểu vì ta đã uống trà từ lâu lắm và cây trà là cây bản địa.
Muốn uống trà tươi, rất đơn giản, cứ hái một nắm lá, cả cành cả đọt non cả lá già bỏ vào ấm đồng hay ấm đất (Việt Nam là dân tộc biết làm cả hai loại đồ đất và đồ đồng đầu tiên của nhân loại). Đun kỹ thật sôi rồi bắc ra đợi nguội bớt sẽ uống, uống bằng bát đàn (loại bát ăn cơm). Sang trọng thì uống bằng bát sứ, nghèo thì uống bằng bát sành. Sáng uống, trưa uống, chiều uống, tối uống.
Cách thức uống trà như vậy thật đơn giản và thật cổ, nhưng ngày nay vẫn còn. Năm 1980, bà chị ruột của tôi về thăm lại miền Bắc, qua các bến đò vẫn còn thấy nguyên cảnh “quán đò gió” mà phần lớn ta đều thấy tả qua các bài văn, tiểu thuyết thời vừa qua. Đó là quán trà tươi bên đường dựng dưới gốc đa, đó là quán trà tươi bên sông đón khách qua đò. Cũng chõng tre bày sẵn tám chín cái bát đàn, bày một ít kẹo vừng, treo sẵn một hai nải chuối… và lẽ dĩ nhiên “trung tâm” quán là một nồi trà tươi luôn được ủ ấm.
Nhiều khi cầu kỳ hơn, người ta bày ra lối “hãm trà”, thường dùng để uống ở nhà. Đây cũng là chè tươi, nhưng lá trà được tách ra bỏ vào ấm tích, đun nước sôi đổ sơ vào tích rồi đổ đi (gọi là làm lông), rồi mới chế đầy nước sôi vào. Thật ra thì cũng là cách thưởng trà tươi thuần túy mà thôi.
Trà nụ
Trà ở thôn quê Việt Nam, trừ các vườn trà hoặc các đồn điền sản xuất lớn, thường được tư nhân trồng mỗi nhà một hai cây. Vườn rộng hơn nữa bình thường cũng chỉ độ một hai sào. Trà vườn để mọc tự nhiên, không cắt như ở các vườn trà. Nên trà sinh nụ rất nhiều. Vì vậy ta còn món trà nụ. Đây là những nụ trà phơi khô. Trà nụ quý hơn trà tươi rất nhiều, thường được các cụ cho ướp sen, nên gọi là trà nụ sen.
Trà nụ cho nước đỏ, hương thơm nhẹ thanh thoát đăng đắng nhưng nuốt vào cổ có vị ngọt. Muốn ướp sen, các cụ cũng làm đơn giản: Cho vào bình rồi bỏ nhụy sen vào đậy lại giữ lấy hương sen. Nên nhớ, trà nụ khác với nụ vối hay trà nụ vối. Cây vối cũng dùng để pha nước uống nhưng khác cây trà.
Trà khô
Lại thêm một món uống rất đơn giản của dân tộc. Trà dư được phơi cho khô, không sao tẩm gì cả. Đám lá khô này, nhiều khi còn nguyên cành được sắp và gác bếp. Khi cần gấp cứ mang ra đổ nước sôi vào rồi dùng. Trà khô cho nước đỏ gạch, mùi vị hơi đắng, không có cái vị đắng mà thanh tân của trà tươi. Trà khô không được trọng bằng trà tươi. Thường người ta chỉ dùng trà khô khi không có trà tươi.
Trà mạn
Đây là một loại trà “Ô Long” đặc biệt của Việt Nam. Trà cũng được hái rồi để cho héo. Trà héo rồi mới được đem đi hấp rồi đem phơi gió. Cuối cùng được sấy bằng lửa hoặc phơi nắng cho khô. Lại có khi ướp với hoa sen gọi là trà Mạn Sen. Trà Mạn cho nước đỏ, mùi vị giống mùi trà Thiết Quan Âm nhưng thanh hơn. Trà mạn cũng còn gọi là Trà Mạn Hảo, Trà Mạn Hảo đã nổi danh là món uống độc đáo của người Việt danh tiếng đứng bên cạnh truyện Kiều và thú đánh Tổ Tôm “Làm trai biết đánh Tổ Tôm/ Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều”. Trong ca dao cũng còn ghi: “… Chồng em còn ở sông Ngâu/ Buôn chè Mạn Hảo năm sau mới về”.
PHI LONG