Theo Ngân hàng Nhà nước, tính chung toàn hệ thống ngân hàng đến hết tháng 6/2024, tín dụng bất động sản toàn quốc đã tăng 4,6%, trong đó cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh 10,29%, chiếm 39-40% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng nhẹ chỉ 1,15%, cho thấy nhu cầu đầu tư và kinh doanh bất động sản đang hồi phục tích cực hơn so với tiêu dùng cá nhân.
Riêng tại TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối tháng 7/2024 đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Điều đáng chú ý là mức tăng này cao hơn so với mức tăng tín dụng chung trên địa bàn, vốn chỉ đạt 3,9%, qua đó phần nào phản ánh sự khởi sắc của thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.
Phân khúc tín dụng nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 57% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Đặc biệt, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đã tăng mạnh, đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2023. Giải ngân từ gói 120 nghìn tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng, chủ yếu dành cho các dự án nhà ở cho công nhân tại khu vực TP. Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng cao là do trong 7 tháng đầu năm các tổ chức tín dụng đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại thành phố Thủ Đức.
Ông Lệnh cho biết: “Những kết quả về hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản chủ yếu là cho vay trung và dài hạn, có thời gian dài. Bởi vậy sự tăng trưởng và phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường có tác động quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại”.
Do đó, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng và về mục đích sử dụng vốn vay và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ không chỉ là yếu tố bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Được biết, có đến 14/27 ngân hàng báo cáo mức tăng trưởng tín dụng từ 6% trở lên, trong đó nổi bật là các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) với mức tăng trưởng trên 10%. Sự sôi động của thị trường bất động sản, kết hợp với các chính sách hỗ trợ và ưu đãi lãi suất từ ngân hàng, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng này.
Cùng với việc nền kinh tế hồi phục và ba sắc luật gồm Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng với lãi suất cạnh tranh. Mục tiêu của các gói vay này là thu hút khách hàng mua nhà, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án.
Nhiều ngân hàng thương mại Nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang áp dụng các mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 5-7%/năm để phục vụ nhu cầu vay mua nhà, kinh doanh và tiêu dùng.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2024, xu hướng "nới lỏng" nhẹ tiêu chuẩn tín dụng sẽ tiếp tục diễn ra đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn cũng sẽ được thu hẹp, giúp kích thích nhu cầu vay tiêu dùng, vay mua bất động sản để ở.
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 12-13%, với động lực chính đến từ sự hồi phục của các ngành sản xuất, xuất khẩu và giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Bất động sản cũng được dự đoán sẽ hồi phục rõ nét từ quý II/2024, góp phần vào sự tăng trưởng của tín dụng trong các phân khúc doanh nghiệp và cá nhân.
Với các tín hiệu khởi sắc từ tín dụng bất động sản, nhiều chuyên gia dự báo rằng thị trường bất động sản sẽ có sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2024. Các phân khúc nhà ở và căn hộ, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận sự gia tăng về giao dịch và giá trị.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với một số thách thức như việc duy trì ổn định lãi suất và kiểm soát rủi ro tín dụng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản phải có chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng.
Tiến Hoàng