Tỉnh Lâm Đồng quảng bá văn hoá, du lịch đến nhân dân thủ đô và bạn bè quốc tế

Chiều 6/5 tại Hà Nội, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp báo công bố chương trình “Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội – năm 2025”. Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế của địa phương đến với người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.

“Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội – năm 2025” là sự kiện văn hóa trọng điểm, giới thiệu những nét đặc trưng của văn hóa và con người Đà Lạt – Lâm Đồng. Thông qua đó, du khách trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội khám phá tiềm năng, thế mạnh cùng các sản vật đặc trưng của vùng đất cao nguyên giàu bản sắc này.

Phát biểu tại họp báo, ông Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban tổ chức sự kiện cho biết, chương trình năm nay diễn ra đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025). Đây là dịp để lan tỏa những giá trị văn hóa và tinh thần sáng tạo của con người Lâm Đồng – Đà Lạt, được thể hiện qua hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các lễ hội truyền thống và làng nghề tiêu biểu. Sự kiện cũng phản ánh sự giao thoa giữa chiều sâu lịch sử và các yếu tố hiện đại trong quá trình phát triển địa phương.

Ông Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc.  
Ông Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc.  

Sau khi sáp nhập, Lâm Đồng hiện là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 24.233 km², dân số đạt 3.324.400 người. Vị trí địa lý đặc biệt khi vừa có đường biên giới giáp Campuchia, vừa tiếp giáp biển theo trục Đông – Tây đã giúp Lâm Đồng mở rộng không gian phát triển, hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cũng là yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.

“Thông qua sự kiện họp báo hôm nay, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh quảng bá và kêu gọi đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và dịch vụ du lịch. Đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thể hiện tinh thần cởi mở, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường đầu tư thuận lợi”, ông Đinh Văn Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Văn Tuấn, đây cũng là dịp để Đà Lạt – Lâm Đồng khẳng định vị thế là trung tâm du lịch chất lượng cao, điểm đến “An toàn – Văn minh – Thân thiện”; là “Thành phố Festival Hoa của Việt Nam”, “Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc của UNESCO” và “Thành phố Du lịch sạch ASEAN”. Đồng thời, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt tại Hà Nội, tìm hiểu, kết nối và mở rộng đầu tư vào vùng đất giàu tiềm năng này.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng.  
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng.  

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự đa dạng về ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng và văn hóa đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc màu. Đây cũng là nền tảng để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, lịch sử, khám phá cảnh quan…

Lâm Đồng còn nổi bật với những phong tục đặc trưng như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, tục bắt chồng của các dân tộc thiểu số bản địa. Bức tranh văn hóa đặc sắc này được tô điểm bởi thiên nhiên hùng vĩ với rừng núi, sông hồ, thác nước nổi tiếng cùng “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” – Di sản văn hóa phi vật thể thế giới do UNESCO công nhận vào năm 2005 và 2008.

“Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội – năm 2025” hứa hẹn sẽ là nhịp cầu kết nối văn hóa – du lịch – đầu tư giữa vùng đất cao nguyên tươi đẹp với trái tim của cả nước và bạn bè quốc tế, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nói thêm.

Toàn cảnh sự kiện 
Toàn cảnh sự kiện