Trên cơ sở rà soát các tiêu chí, có xét đến các tiềm năng, lợi thế, Đề án lựa chọn 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đầu tư phát triển là chè, quả (na, nhãn, bưởi), thịt lợn, thịt gà và trứng gà, gỗ, quế.
Mục tiêu của Đề án là xác lập được các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp về bố trí đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất… và những cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ về quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đối với sản phẩm chủ lực đã đề ra; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Theo nội dung của Đề án, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đối với những cây trồng, vật nuôi thế mạnh, đặc sản; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, dịch bệnh vật nuôi, môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), hữu cơ, an toàn thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển khá, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, ngày 18/6/2019 UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1676/QĐ-UBND, xác định 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (chè, lúa gạo, rau quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, cá nước ngọt, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cây quế, cây dược liệu), nhằm tập trung nguồn lực và vận dụng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển các sản phẩm có lợi thế. Có thể lấy ví dụ từ một vài sản phẩm lợi thế của tỉnh để thấy được sự phát triển đó.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, đến năm 2020 diện tích chè trên toàn tỉnh ước đạt 22.396 ha, sản lượng 244.502 tấn, sản lượng chè qua chế biến toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 48.900 tấn, tính theo giá hiện hành dự ước năm 2020 giá trị sản xuất chè đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 01 ha chè đạt 270 triệu đồng. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ đã được áp dụng. Nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” đã tạo dựng được danh tiếng không chỉ ở thị trường trong nước mà đã vươn ra quốc tế.
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua tỉnh đã ưu tiên đầu tư cho phát triển chè, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với sản xuất các cây trồng khác.
Việc triển khai Đề án đem lại hiệu quả nổi bật, như sản lượng đạt 245 nghìn tấn, tăng bình quân 3,86%/năm; Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha chè đạt 270 triệu đồng, tăng 170 triệu đồng so với năm 2015; Gía trị sản xuất chè đạt trên 5.500 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
Đặc biệt, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, tỷ lệ giống mới đạt gần 80%, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến năm 2020, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP, hữu toàn tỉnh đạt 2,6 nghìn ha, diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đạt 4.723 ha, chiếm 21%.
Theo đó, đến năm 2030, diện tích đạt 24.500 ha, giá trị đạt 9.440 tỷ đồng; giá trị sản xuất đạt 400 triệu đồng/ha. Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, phấn đấu diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP đạt 6.000 ha, chiếm 25,5% tổng diện tích, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235 ha, chiếm 1% tổng diện tích.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư canh tác, sản xuất chè chuyên sâu, đa dạng sản phẩm như: hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP lần đầu, 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn GAP; hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu, 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học sản xuất chè hữu cơ trong 3 năm; Hỗ trợ người dân chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè và các loại máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè.
An Nghi