TNR Holdings vay 1.500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo

Tính từ đầu tháng 11 đến nay, TNR Holdings đã dồn dập vay nợ qua trái phiếu và huy động thành công 1.500 tỷ đồng qua 3 đợt phát hành. Đáng chú ý, đây đều là những lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

1.500 tỷ trái phiếu không tài sản đảm bảo

TNR Holdings vừa công bố huy động 500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10%/năm, kỳ hạn 7 năm và đáo hạn vào ngày 5/11/2028. Gốc và lãi trái phiếu đều sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn của lô này.

Mục đích của việc phát hành lô trái phiếu này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, cơ cấu lại các khoản nợ và thực hiện đầu tư vào các dự án bất động sản của doanh nghiệp. Một tổ chức đầu tư trong nước đã mua trọn lô trái phiếu này của TNR.

Thông tin phát thành trái phiếu của TNR.
Thông tin phát thành trái phiếu của TNR.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, kể từ đầu tháng 11/2021 đến nay TNR Holdings đã ba lần công bố vay vốn thành công từ kênh trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.

Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 7 năm và đáo hạn vào năm 2028 với cùng mục đích. Đáng chú ý, cả 3 lô trái phiếu này của TNR Holdings đều không có tài sản đảm bảo.

TNR Holdings là công ty thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG (TNG Holdings) do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án với ba dòng chính: TNR Gold (TNR Goldmark City, TNR GoldSeason, TNR GoldSilk Complex, TNR The GoldView), TNR Stars (Amaluna, Star Center Cao Bằng, Star City Lục Yên, Star Thoại Sơn…) và TNR Tower (TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, TNR Tower Láng Hạ, TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Tower Nguyễn Công Trứ).

Cùng với việc sở hữu các khu đất vàng, các dự án đình đám tại thành phố lớn, đến nay, TNR Holding còn gây chú ý khi liên tục thâu tóm quỹ đất lớn lên tới cả triệu hecta tại các tỉnh lẻ.

Đơn cử vào tháng 1/2019, tại TP. Bắc Kạn, liên danh TNR Holdings Việt Nam - Hano – Vid đã trúng Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4 có diện tích 6,7ha, vốn đầu tư dự kiến 59,42 tỷ đồng.

Tháng 5/2019, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến quy mô 18,4ha theo hình thức chỉ định thầu, và liên danh TNR Holdings - HANO-VID trúng thầu, dự án có tổng mức đầu tư 514,4 tỷ đồng.

Ngoài các dự án liên danh cùng TNR, Hano -  Vid còn trúng thầu nhiều dự án lớn nhỏ tại nhiều địa phương trên cả nước. Được biết, Hano – Vid, TNR, Địa ốc Việt Hân, Công ty Bất động sản Mỹ là những doanh nghiệp “chủ lực” liên quan đến hệ sinh thái TNG của đại gia Nguyễn Thị Nguyệt Hừng.

TNR Goldmark City của TNR Holdings là một trong những khu tổ hợp căn hộ lớn nhất Hà Nội.
TNR Goldmark City của TNR Holdings là một trong những khu tổ hợp căn hộ lớn nhất Hà Nội.

Ngoài Hano – Vid, song hành cùng TNR Holdings trong các dự án lớn còn có Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân. Đây là công ty được thành lập vào năm 2006 và cập nhật tại ngày gần nhất, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 2.817 tỷ đồng, Tổng Giám đốc kiêm Đại diện pháp luật là bà Bùi Thanh Thúy (SN 1988).

Được biết, Việt Hân và TNR Holdings vào năm 2018 đã đồng hành với nhau tại dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự sông Uông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 926 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, Việt Hân và TNR Holdings gây nhiều chú ý với TNR Goldmark City, dự án căn hộ có quy mô bậc nhất tại Hà Nội.

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên

TNR Holdings được biết đến  là một trong những doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất thời gian qua.

Từ năm 2020 TNR Holdings và Hanovid đã dồn dập phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tổng cộng, hai doanh nghiệp này có khối lượng phát hành gần 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020, lọt top các doanh nghiệp có lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất trong năm 2020.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, TNR Holdings liên tục phát hành hàng trăm lô trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà nhà đầu tư. Trong đó nhiều lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

TNR Holdings và Hano – Vid có khối lượng phát hành gần 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020. Nguồn: SSI.
TNR Holdings và Hano – Vid có khối lượng phát hành gần 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020. Nguồn: SSI.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục phát triển nóng với lãi suất phát hành ở mức cao, đặc biệt là nhóm trái phiếu bất động sản. Trong đó, vấn đề tài sản bảo đảm cho trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức đáng báo động và rủi ro đang tăng lên.

Theo báo cáo của SSI, trái phiếu không tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu đang chiếm tỷ lệ cao. Trong 9 tháng năm 2021 có 36,2% được đảm bảo bằng một phần tài sản, bất động sản và một phần là cổ phiếu hoặc cổ phần, 20,4% được bảo đảm bằng bất động sản; 9,5% được đảm bảo bằng tài sản; 6,7% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 17,1% là không có tài sản đảm bảo.

Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành; trong đó, có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.

SSI đánh giá đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Hiện nay, câu chuyện về “bom nợ Evergrande” đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, chất lượng tài sản bảo đảm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ vay nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.

Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể mất khả năng trả nợ. Như vậy, rủi ro mất vốn có thể xảy ra khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cả gốc và lãi trái phiếu.