Tổng Công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về chủ trương hợp tác đầu tư nhà xưởng dịch vụ IDICO - Tân Tạo với Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Tạo.
Dự có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Trong đó, IDICO góp 50% tổng vốn góp, giá trị 1.000 tỷ đồng, công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Tạo góp 50% tổng vốn góp, giá trị 1.000 tỷ đồng.
IDICO cho biết, mảng nhà xưởng, nhà kho cho thuê là một trong những sản phẩm bất động sản công nghiệp cho thuê chiến lược của IDICO. Tại thời điểm cuối quý III, công ty cũng ghi nhận mới khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang vào Nhà xưởng khu công nghiệp Hựu Thạnh gần 13,5 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh của IDICO, kết thúc quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.000 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần cùng kỳ. Giá vốn chỉ tăng 74%, lên 1.200 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp có lãi gộp hơn 800 tỷ đồng, gấp 4,4 lần quý III/2021.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm gần nửa, còn 58 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính cũng giảm 20%, còn 31,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt 60% gần 24 tỷ đồng và gấp 2 cùng kỳ, tương đương hơn 66 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác cũng sụt giảm 44%, còn 20,4 tỷ đồng, nhưng bù lại không còn ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết (cùng kỳ lỗ 9 tỷ đồng). Kết quả, IDC lãi ròng hơn 422 tỷ đồng trong quý III, hơn cùng kỳ 2,5 lần.
Công ty giải thích sự chênh lệch này chủ yếu do ghi nhận doanh thu các hợp đồng cho thuê đất tại các dự án thuộc Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Hựu Thạnh và Mỹ Xuân B1-CONAC, qua đó kéo lợi nhuận tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu IDC gấp hơn 2 lần cùng kỳ, lên 7.000 tỷ đồng. Lãi trước, sau thuế và lãi ròng đạt lần lượt 2,95 nghìn tỷ, 2,36 nghìn tỷ và 2,1 nghìn tỷ đồng, gấp 4,2, 4,3 và 4,6 lần cùng kỳ. So với kế hoạch từ ĐHĐCĐ 2022, Công ty thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu và vượt gần 7% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của IDC đạt 16,2 nghìn tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Công ty nắm giữ gần 2,3 nghìn tỷ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên 1,6 nghìn tỷ đồng, gấp 2.1 lần đầu năm, chủ yếu từ khoản phải thu khách hàng (727 tỷ đồng) và phải thu ngắn hạn khác (790 tỷ đồng).
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn gần như đi ngang so với đầu năm (2,4 nghìn tỷ đồng). Trong đó, có 275 tỷ đồng là khoản vay ngắn hạn đến hạn trả. Nợ dài hạn tăng 39%, lên 2,9 nghìn tỷ đồng.