Ngày 25.12.2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” được thực hiện với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Đây là chương trình mang tính chiến lược, nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của báo chí Cách mạng Việt Nam, tạo điều kiện để báo chí nước nhà hòa nhập với xu thế phát triển chung của thế giới.
Sau 5 năm (2020-2024) Dự án đã triển khai thành công hơn 30 hoạt động, tiếp cận được đến với hơn 15.000 các nhà quản lý báo chí, cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên toàn quốc, với tổng ngân sách dành cho các hoạt động của Dự án gần 17 tỷ đồng. Các hoạt động nổi bật bao gồm: Các khóa tập huấn chuyên sâu: Trang bị kỹ năng về chuyển đổi số, sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ năng viết báo, sử dụng hình ảnh và phỏng vấn chuyên nghiệp. Các diễn đàn và hội thảo: Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023 với chủ đề “Chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh của báo chí” đã thảo luận về các mô hình kinh tế mới, những giải pháp sáng tạo để báo chí tồn tại và phát triển trong bối cảnh thay đổi mạnh mẽ của hệ sinh thái truyền thông số; Chiến dịch nâng cao ý thức của người dùng mạng Việt Nam…Xuất bản các ấn phẩm nghiệp vụ báo chí: Đến nay, Dự án đã xuất bản 12 cuốn sách và cẩm nang nghiệp vụ báo chí và truyền thông.
Tại Hội nghị, Cục Báo chí cũng giới thiệu về một hoạt động nổi bật, tiêu biểu của Dự án. Triển khai Chiến lược về chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và Chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách của Thủ tướng Chính Phủ, Cục Báo chí đã xây dựng cuốn Cẩm nang chuyển đổi số báo chí và cuốn Cẩm nang truyền thông chính sách, nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số và mục đích cung cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông và bộ phận phụ trách công tác truyền thông của các bộ, ngành, địa phương một số thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận dụng trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, pháp luật. Sau khi hoàn thiện, bản điện tử của 02 cuốn cẩm nang truyền thông chính sách và cẩm nang chuyển đổi số, Ban Tổ chức sẽ cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ mic.gov.vn và của Cục Báo chí tại địa chỉ: cucbaochi.gov.vn, để các đơn vị, cá nhân liên quan có thể tra cứu, tham khảo phục vụ cho công tác truyền thông chính sách cũng như công tác chuyển đổi số báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Báo chí cũng cho biết: “Trước đây, mới có một số tổ chức nước ngoài giúp cho đào tạo báo chí, ví dụ như Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thuỵ Điển với Dự án Đào tạo Nâng cao Năng lực Báo chí Việt Nam, kéo dài trên 10 năm, rất hiệu quả. Thì đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam dành một khoản hỗ trợ lớn, khoảng 17 tỷ đồng, kéo dài 5 năm, cho phát triển báo chí Việt Nam. Sự chung tay của cộng đồng vì một nền báo chí Việt Nam xuất sắc là một tín hiệu đáng mừng. Năm 2025, là dịp kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam ra đời, chúng tôi hy vọng sẽ được tiếp tục cùng đồng hành với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk. Vì một mục tiêu chung “nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Dự án Phát triển báo chí Việt Nam đã nhận được sự đồng hành và hỗ trợ to lớn từ Vinamilk trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo và kết nối cộng đồng báo chí. Dự án đã tạo ra nền tảng vững chắc để báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của xã hội. Đây là một bước tiến quan trọng để báo chí Việt Nam hội nhập với thế giới, đồng thời đóng góp vào công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường.
PV