Hội thảo có sự tham gia của 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Ninh; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư… Hội thảo nhận được gần 50 bài tham luận. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú; đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung.
Đứng trước yêu cầu mới của sự phát triển, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng TP Hạ Long thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; thành phố của đổi mới, sáng tạo, của di sản và lễ hội; thành phố kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình. Trong xu thế phát triển hiện nay, để đạt được mục tiêu đó, nhất thiết phải đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Bí thư Thành uỷ Hạ Long nhấn mạnh: Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của tỉnh, TP Hạ Long còn là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, tự hào sở hữu Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và trên 95 di tích lịch sử văn hóa. Việc nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long giúp mở rộng không gian phát triển của thành phố, cộng hưởng cả thế mạnh biển - đảo, làm tiền đề cho Hạ Long trong định hướng trở thành đô thị di sản từ nguồn tài nguyên văn hóa, con người trong giai đoạn phát triển mới.
Dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long thực hiện và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc phát huy các di sản văn hóa địa phương, Di sản Vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh, nhất là tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xu thế phát triển trong kỷ nguyên mới, TP Hạ Long đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố “Kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới, sáng tạo; thành phố di sản của hoa và lễ hội”; dựa trên 4 trụ cột: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp; Nông nghiệp; Văn hóa và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp.
Mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của thành phố tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế, với chiến lược phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn, với tầm nhìn và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo; giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi hóa của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh được thể chế hoá, tích hợp và hội tụ; với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương; với tư duy tầm nhìn toàn cầu, trách nhiệm quốc gia và hành động địa phương. Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ hóa giải bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Hạ Long.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã thảo luận, nêu ý kiến quan điểm về vấn đề được quan tâm. Các bài viết có sự đầu tư công phu, chất lượng, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo. Các đại biểuphân tích thực trạng phát triển kinh tế di sản tại TP Hạ Long thời gian qua, đánh giá thành tựu, nguyên nhân và hạn chế; Phát hiện những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản trong phát triển kinh tế di sản. Qua đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, để TP Hạ Long phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực từ kinh tế di sản.
Các ý kiến tham gia hội thảo là những kinh nghiệm hết sức quý báu, tâm huyết để TP Hạ Long đảm bảo chất lượng, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, mang tính khách quan, phân tích chuyên sâu về điều kiện thực tiễn; có nhiều gợi ý, tham vấn, khuyến nghị, giải pháp khả thi giúp thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu trước những rào cản, thách thức từ bên ngoài của nền kinh tế, nhất là việc tái thiết thành phố Hạ Long sau cơn bão số 3.
Hội thảo khoa học về thúc đẩy kinh tế TP Hạ Long là bước thực hiện mục tiêu, giúp địa phương chuẩn bị tâm thế vững chắc, tự tin bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và các đại biểu sẽ tập trung phân tích, đánh giá, thảo luận để đưa ra ý kiến, khuyến nghị về 5 vấn đề liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản.
Năm vấn đề được thảo luận, khuyến nghị gồm: Thứ nhất, cần phân tích, làm rõ nội dung, nội hàm và những vấn đề đặt ra trong 3 khái niệm trung tâm của chủ đề hội thảo về “kinh tế xanh”, “kinh tế số”, “kinh tế di sản” để từ đó gợi mở thêm những tiềm năng, thế mạnh, thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra đối với Hạ Long trong thực hiện.
Thứ hai, thực trạng trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản của TP Hạ Long so với khu vực và thế giới; những mô hình trên thế giới phù hợp có thể học tập, vận dụng; khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong thực hiện và định hướng trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong giai đoạn tới.
Thứ ba, những khuyến nghị, tham vấn liên quan về xây dựng kế hoạch tích hợp: chuyển đổi xanh, chuyển đổi, kinh tế di sản một cách hiệu quả, thực chất vào các mục tiêu và định hướng quan trọng của Văn kiện Đại hội Đảng bộ thanh phố nhiệm kỳ 2025-2030; các đề án, kế hoạch, chương trình hành động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Thứ tư, gợi ý cho việc xây dựng Chiến lược marketing địa phương gắn với định vị mới về đô thị xanh, đô thị số, đô thị di sản toàn cầu, bao gồm: khai thác ưu thế của vị trí, giá trị độc đáo, kết nối với thị trường trong và ngoài nước, đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, chính quyền hiệu quả và hiệu lực, trở thành một đô thị di sản đáng sống và hấp dẫn…
Thứ năm, những kiến nghị liên quan đến việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách vượt trội và mang tính thử nghiệm cho ngành và lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản để thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến trong xây dựng TP Hạ Long trở thành trung tâm dịch vụ đẳng cấp toàn cầu, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hạ Long bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển TP Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh; trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế; vững bước cùng đất nước tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hạ Long đề nghị các phòng, ban liên quan tiếp thu các đề xuất, khuyến nghị của chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu để tham mưu cho Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND TP Hạ Long cụ thể hoá thành nội dung lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện thời gian tới.
Ngô Quảng