Nếu như ở phía Bắc cây trà được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ… thì ở phương Nam vùng đất Lâm Đồng lại được mệnh danh là xứ sở của cây trà với tên gọi trà B’lao.
Trà B’lao mang hương vị nồng nàn khó quên
Xứ B'Lao trù phú và thơ mộng, được bao phủ bởi màu xanh của nương trà bát ngát, hương vị trà dìu dịu êm đềm tỏa khắp không gian.
Trà B’Lao không chỉ là sản phẩm nội tiêu mà đã toả hương ở nhiều thị trường trà trên thế giới. Hầu hết người dân Bảo Lộc ai ai cũng có vài sào trà để sinh sống. Trà Bảo Lộc được chuyển đi khắp mọi miền tổ quốc, có những vùng nước lợ mà người ta không thể uống nước được nếu không có trà. Ở Bảo Lộc, bất kỳ một quán giải khát, quán ăn nào cũng không thể thiếu nước trà.
Trà B’lao là thức uống giải khát lành mạnh phù hợp cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Không có vị đắng như trà xứ Bắc, trà B’lao mang hương vị chát, ngọt hậu cùng với mùi hương ngào ngạt. Cây trà B’lao sinh trưởng trong vùng mưa nhiều, có lẽ vì vậy mà hương trà không đượm. Nhưng chỉ với một ly trà nóng thơm bốc khói cũng đủ để sưởi ấm dưới tiết trời đông giá rét.
Ướp hương trà B’lao
Trà B’Lao được chế biến theo cách làm trà xanh, phù hợp với phong cách uống trà của người Á Đông. Dòng trà ướp hương B’Lao khá cầu kỳ, phần lớn trà B’lao thường được ướp với các loài hoa mà người Việt ưa chuộng như hoa sen, hoa nhài, hoa sói,… Thỉnh thoảng hoa ngọc lan hay hương hoa mộc cũng được sử dụng để ướp hương trà nhưng không mấy phổ biến, hầu như chỉ để dùng trong gia đình. Những loại hoa này đều góp phần tạo nên hương vị đặc biệt khiến cho bất kỳ ai từng thử qua trà B’lao cảm nhận được sự đặc trưng, cảm giác quyến luyến.
Công đoạn ướp hương là kỳ công nhất để tạo ra phẩm trà thơm ngon đậm vị. Trà Bạch Mao được hái theo tiêu chuẩn 1 búp 2 lá là loại trà thường được chọn dùng. Để đạt được độ thơm nhất định, thời điểm hái hoa để ướp hương cũng phải đúng độ nở thích hợp: hoa sói thu hái lúc sáng sớm, hoa nhài được hái khoảng buổi chiều.
Hoa sau khi thu hái về chọn lựa những bông hoa tươi nhất rồi đem ướp với trà, sau đó đem ủ trong một thời gian nhất định rồi mới đem đi sấy. Phải là những người thợ trà có kỹ thuật, hiểu biết về nhiệt độ sấy mới tạo ra được những mẻ trà thơm ngon chuẩn vị.
Trà Bạch Mao hảo hạng ướp hương sen được giới thưởng trà công nhận là “đệ nhất trà hương”. Có điều, trà hương sen không chế biến được nhiều, vì phải đợi khi sen vùng Đồng Tháp Mười nở rộ. Một người thợ trà thành thạo suốt mùa hoa sen cũng chỉ đạo hương đủ để ướp vài trăm ký trà, nên trà ướp hương hoa sen luôn là loại trà có giá trị cao.
Trà ướp hoa sói cũng là một trong những đặc sản trà hương của xứ B’lao bởi không nhiều nơi có điều kiện thích hợp để trồng hoa sói. Hoa sói mang hương nồng đậm, và trở thành loài hoa cho hương ướp loại trà đặc hữu của Bảo Lộc.
Trà ướp hoa sói có vị ngầy ngậy của cơm nếp mới, hương thơm thoang thoảng nhưng không kém phần đằm thắm. Trà ướp hoa sói luôn có hậu vị ngọt ngọt, bùi bùi của thảo mộc mà không loại trà hương nào có được.
Trà ướp hương hoa lài là loại trà được nhiều người ưa chuộng nhất, vì hương thơm nhẹ nhàng, từ từ, khoan thai, làm ngây ngất khách thưởng trà. Hương hoa kết hợp cùng trà Bạch Mao, cả hai hoà quyện lại, phảng phất trên mặt tách trà một làn hơi mỏng, khi ẩn, khi hiện, như sương núi lúc chiều tà.
Trà hương hoa lài có thể ướp được số lượng lớn, nên nhiều hiệu trà ở Bảo Lộc coi là loại trà hương chủ lực, làm nên danh tiếng của trà B’Lao một thời.
Ngoài ướp với hoa, người ta còn ướp thêm các loại thảo dược mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe mà giúp mùi hương thêm đậm như cam thảo, quế, tiểu hồi, đại hồi…
Xứ B'Lao xanh một màu xanh của lá. Chính cái màu xanh có vị chan chát, man mát dịu ngọt ấy đã hòa quyện máu thịt với con người; làm thành một thức uống cao quý được nâng lên tầm văn hóa. Hương vị đặc trưng của trà ướp hương xứ B’lao đã trở thành một đặc sản không thể thiếu trong mỗi gia đình tại đây, thể hiện sự hài hòa giữa hương vị và con người.
Minh Huyền