Trà hoa vàng - Nguồn dược liệu quý ở Thái Nguyên

Trà hoa vàng hay còn gọi là kim hoa trà, đây là loại cây quý hiếm, có nhiều giá trị sử dụng. Theo "Camellia International Journal" - tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%...

Được biết, chè Thái Nguyên đã nổi danh từ lâu. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883) các sử gia triều Nguyễn ghi chép các tỉnh có trà là: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Sơn Tây, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định. Phần thổ sản của Thái Nguyên sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép như sau: “Chè nam: Sản ở các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên vị ngon hơn chè các nơi khác”.

Như vậy, vào thời đó Thái Nguyên có đến 4 huyện có chè, có thể nói là nhiều chè nhất cả nước. Nhưng quan trọng hơn cả là các sử gia triều Nguyễn đã rất tỉ mỉ, tinh tế khi lấy vị chè ngon hơn các nơi khác để khẳng định, để so sánh tính nổi trội của chè Thái Nguyên. Đối với chè vị là linh hồn của chè. Vị có ngon thì chè mới ngon. Vị là tố chất tinh túy nhất của chè. Vị của chè được cảm nhận từ tiền vị - hậu vị và dư vị. Có thể nói sự hấp dẫn của chè Thái Nguyên là do cái vị tinh túy đặc biệt quý giá của chè đem lại. Hương thơm của chè cũng rất quý giá, nhưng người ta có thể tạo ra hương từ hoa, quả, tinh dầu có mùi thơm theo sở thích của mình. Còn vị thì không thể thay thế được. Nếu tạo ra vị mới trong chè, thì chè đó không còn nguyên chất nữa. Đó là một loại đồ uống khác có thành phần của chè.

Đến năm 1935, nhãn hiệu chè “Cánh Hạc” của ông Đội Năm ở Tân Cương đã đạt giải nhất cuộc thi chè tại Đấu Xảo, Hà Nội. Từ đó, chè Thái được các thương gia người Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc… mang đi buôn bán khắp nơi ở trong nước và quốc tế. Những năm gần đây nhãn hiệu “Chè Đinh” của ông bà Thắng Hường ở Tân Cương lại nổi danh vang dội. Chè Đinh không chỉ ngon nức tiếng mà giá cả cũng cao ngất ngưởng. Thực sự chè Thái Nguyên đã hội tụ đủ “ngũ quý” của chè ngon đó là: “Sắc - Khí - Hương - Vị - Thần”. Điều đó khẳng định chè Thái Nguyên đạt đến chuẩn mực cao của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam. Cho nên dân gian truyền tụng “Thái Nguyên đệ nhất danh Trà” hay “Thái Nguyên danh trà đất Việt”.

Còn chè hoa Vàng thì sao? Có lẽ do sự nổi tiếng của chè truyền thống, chè trung du, chè công nghiệp và các giống chè ngon, chè lạ được nhập từ nước ngoài về làm người Thái Nguyên quên mất chè hoa Vàng? Chè hoa Vàng là loại quý hiếm vào loại bậc nhất của các loại chè trên thế giới. Hiện nay chè hoa Vàng là loại cây quý hiếm nằm trong sách đỏ của “Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế” nó phát triển trên phạm vi hẹp, chỉ có nhiều ở Trung Quốc và Việt Nam.

Chè hoa Vàng quý hiếm ở Thái Nguyên
Chè hoa Vàng quý hiếm ở Thái Nguyên

Theo tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), cơ quan nghiên cứu của chính phủ Đức, từ năm 1993 đã phối hợp với các cơ quan đối tác Việt Nam quan tâm phát triển, bảo tồn giống chè Hoa Vàng ở vườn quốc gia Tam Đảo và nghiên cứu ở một số vùng khác trên đất nước Việt Nam thì trà hoa Vàng là siêu cây cảnh thế giới, là “nữ hoàng” của các loại chè, là thuốc nhuộm thiên nhiên, là cây đồ uống quý giá, dùng làm dầu ăn, là cây dược liệu quý.

Trong trà hoa Vàng có chứa các nguyên tố rất có lợi cho sức khỏe. Trà hoa Vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, chống xơ cứng động mạnh, chống huyết áp cao, giảm lượng đường trong máu đối với bệnh nhân tiểu đường, phòng chống ung thư, gây hưng phấn thần kinh, lợi tiểu, chống ô xi hóa, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn, tiêu viêm, chống dị ứng… Theo tiết lộ của một số ông bà lang thì chè hoa Vàng là một trong những vị chính, vị quan trọng nhất trong bài thuốc dân gian phòng chống bệnh nan y.

Chè hoa Vàng mọc tự nhiên trong rừng, thường là cây bụi hay cây gỗ nhỏ, đa số loài chỉ cao từ 3 mét đến 6 mét. Vỏ cây trắng, xám, mịn, thường mọc ở nơi có độ ẩm cao, có khí hậu mát mẻ. Đặc biệt là những bông hoa chè có màu vàng rực rỡ, như phủ một lớp sáp mỏng mịn màng, cánh hoa trong mờ, hoa mọc đơn độc hay từng chùm ở nách lá, hình chén xinh đẹp và thanh lịch, hoa thường nở từ mùa đông đến mùa xuân, với vẻ đẹp tuyệt vời của hoa và lá nên nó được mệnh danh là “nữ hoàng” của tất cả các loại chè.

Trà hoa Vàng là 1 dược liệu quý hiếm ở Thái Nguyên dùng để thanh nhiệt, giải độc…
Trà hoa Vàng là 1 dược liệu quý hiếm ở Thái Nguyên dùng để thanh nhiệt, giải độc…

Chè hoa Vàng có ở sườn đông dãy núi Tam Đảo, có ở Định Hóa, Phú Lương và huyện Võ Nhai. Thì ra từ lâu người dân Thái Nguyên đã biết đến chè hoa Vàng, nhiều người đã ngắt hoa, hái lá, đào đốn cây để bán sang Trung Quốc, gần đây lại đào gốc, bán cho một số nhà vườn ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Nội… Cho đến nay, chè hoa Vàng ở Thái Nguyên chẳng còn lại bao nhiêu, có thể nói là gần đến ngày tuyệt chủng.

Được biết, ở Thái Nguyên có một số loài chè hoa Vàng như: Trà Vàng lá dày; Trà Vàng ginger (Seaby); Trà vàng Hakoda (lấy tên của giáo sư Taoschi Hakoda trường Đại học Nông nghiệp Tokyo - Nhật Bản); Trà Vàng nhiều lông; Trà Vàng phan; Trà Vàng Tam Đảo…

Phi Long - Xuân Sỹ