Trang Stir-tea-coffee dẫn thông tin từ Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chi tiêu của các gia đình. Nhưng có những bằng chứng cho thấy tiêu dùng tại gia tăng lên.
EIU ước tính tiêu thụ chè toàn cầu năm 2020 tăng nhẹ 1,5%, và dự báo tốc độ tăng sẽ mạnh lên 2,8% trong năm 2021 và 3,5% năm 2022.
Tiêu thụ chè tại nhà luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng khối lượng chè tiêu thụ ở các nước sản xuất cũng như sử dụng mặt hàng này. Chè chế biến sẵn và trà đá là đồ uống chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng tiêu thụ chè bên ngoài (away-from-home) ở Mỹ và Châu Á, và chủ yếu được mua tại các cửa hàng bán lẻ, với tỷ lệ tiêu thụ cũng tăng trong năm 2020.
Với đặc thù mặt hàng chè được tiêu thụ nhiều ngay tại nước sản xuất và dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc vận chuyển/thương mại chè, giá chè thế giới năm qua ở mỗi thị trường có sự khác biệt lớn.
Giá chè thế giới nhìn chung giảm 3 năm liên tiếp trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu dồi dào bởi sản lượng của khu vực Đông Phi và một số nơi khác trên thế giới tăng.
Theo nguồn The-star, giá chè trên sàn thương mại Mombasa (Kenya, tham chiếu cho thị trường chè toàn cầu) cuối năm 2020 đã giảm 14%, xuống 240 shilling (khoảng 2,18 USD)/kg từ mức 2,54 USD cùng kỳ năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp giá giảm do nguồn cung vượt nhu cầu và đồng USD yếu đi.
Sàn Mombasa là một trong những nơi tổ chức những cuộc mua bán đấu giá chè lớn nhất thế giới, với sự góp mặt của các loại chè Kenya, Uganda, Rwanda, Tanzania, Malawi, Ethiopia và CH Dân chủ Congo.
Giá chè xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 trung bình ở mức 1.613 USD/tấn, giảm 6,2% so với năm trước đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng xuất khẩu bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp đồng còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới gần như không có.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của cả nước năm 2020 đạt 134.964 tấn, trị giá 217,7 triệu USD, giảm lần lượt 1,8% và 7,8% so với năm 2019. Pakistan là thị trường tiêu thụ chè lớn nhất của Việt Nam đạt 43.357 tấn, tương đương 82,59 triệu USD, giá trung bình 1.905 USD/tấn, giảm lần lượt 11,2%, 14,4% và 3,5% so với năm 2019. Mặc dù giảm song Pakistan vẫn chiếm 32% trong tổng khối lượng và 37,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 của nước ta khi nhập khẩu 17.290 tấn, tương đương 26,68 triệu USD trong năm qua, chiếm gần 13% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. So với năm 2019, xuất khẩu chè sang Đài Loan năm qua giảm trên 9,5% về lượng và giảm 10,5% về kim ngạch.
Xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 3 là Nga cũng giảm, xuống 14.071 tấn, tương đương 21,52 triệu USD, chiếm trên 10% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch, giảm 7,1% về lượng và giảm 3,9% kim ngạch.
Riêng tại Ấn Độ, giá chè tăng do thiếu hụt nguồn cung, bởi nhu cầu tăng trong khi sản lượng giảm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây nguồn cung chè ở Ấn Độ bị thiếu hụt.
Theo Thehindubusinessline, sản lượng chè nước này năm qua đã giảm 145 triệu kg (10%), trong khi tiêu thụ vẫn ổn định và có xu hướng tăng bởi tiêu thụ tại nhà - chiếm gần 70% tiêu thụ chè của Ấn Độ - gia tăng trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Thị trường nội địa của Ấn Độ năm vừa qua thiếu khoảng 100 triệu kg chè, được bù đắp bởi lượng dự trữ từ các năm trước.
Xuất khẩu chè Ấn Độ năm 2020 giảm 17% về khối lượng so với năm trước đó do nguồn cung giảm và khách hàng quốc tế thích mua loại chè CTC của Kenya hơn vì giá rẻ.
Bảo An (Theo DNTT)