Giữa vùng non cao gió ngàn của huyện Vân Hồ (Sơn La), xã Tô Múa nổi lên như một điểm đến đặc biệt, không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn bởi một báu vật đã ăn sâu bén rễ vào đời sống của đồng bào nơi đây suốt hàng trăm năm đó là trà Shan tuyết cổ thụ. Thức trà mang hương vị của đất trời, của thời gian và của tinh thần lao động bền bỉ, thầm lặng mà đầy tự hào của người dân bản địa.
Trà Shan tuyết Tô Múa không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là tinh hoa của thiên nhiên, lịch sử và văn hóa miền núi Tây Bắc.
Hương vị của độ cao, tinh túy từ thiên nhiên
Trà Shan tuyết Tô Múa sinh trưởng ở độ cao hơn 1.000m, được bao bọc bởi rừng già, hưởng khí hậu mát mẻ quanh năm và sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rõ rệt chính là điều kiện khí hậu lý tưởng cho những cây chè phát triển chậm nhưng đậm chất. Trên vùng đất này, hơn 2.000 gốc trà cổ thụ có nhiều cây đã vượt qua ngưỡng 200 tuổi vẫn âm thầm bám rễ, vươn cao và dâng hiến những búp chè dày mình, trắng xám phủ lớp lông tơ bạc như tuyết. Chính lớp tơ mịn ấy là dấu hiệu nhận biết trà cổ thụ thực sự, chứ không phải do kỹ thuật sao trà như ở nhiều nơi khác.
Trà Shan tuyết nơi đây nổi tiếng bởi màu nước vàng sánh như mật ong, mùi thơm dịu thanh thoát và hậu vị ngọt kéo dài đầy ấn tượng. Khi nhấp một ngụm, vị chát lan nhẹ ở đầu lưỡi, không gắt mà mềm mại, như một sự mở lối để vị ngọt âm ỉ lan sâu vào cổ họng. Càng uống, người ta càng nhận thấy vị trà hòa quyện tinh tế, một thứ “tỉ lệ vàng” giữa chát và ngọt mà hiếm nơi nào có được. Cảm giác bùi ngậy, thanh mát, hương trà như một lớp dầu mỏng quyện trong khoang miệng, kích thích các tuyến vị giác hoạt động, khiến miệng sạch sẽ, thơm tho và sảng khoái kỳ lạ.
Truyền thống và thủ công, những giá trị làm nên bản sắc
Người dân Tô Múa không chỉ trân quý cây chè như một di sản, họ còn nâng niu từng búp trà với quy trình hái, sao, vò hoàn toàn thủ công. Có những cây cao tới 3m, người hái phải trèo lên để thu hoạch. Sau đó, trà được sao tay bằng chảo nóng kỹ thuật truyền thống mà ít nơi còn giữ lại giúp trà giữ được hương thơm đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Không có mùi hương nhân tạo, không có phụ gia, chỉ có bàn tay người, lửa và sự kiên trì, nhẫn nại.
Chính vì thế, sản lượng chè cổ thụ không nhiều, chủ yếu để sử dụng trong gia đình hoặc làm quà biếu. Nhưng chính sự hiếm có, tinh tuyển ấy lại càng khiến trà Shan tuyết Tô Múa trở thành món quà quý, thể hiện tấm lòng, sự trân trọng của người tặng.
Trà là trụ cột kinh tế là nhịp cầu thoát nghèo của Tô Múa
Ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa, cho biết xã hiện có hơn 640ha chè Shan tuyết, phân bố tại 12 bản và 1 tiểu khu. Hơn 80% hộ dân trong xã tham gia vào sản xuất chè, khiến cây chè trở thành yếu tố then chốt trong phát triển nông nghiệp, chiếm gần một nửa diện tích đất sản xuất của toàn xã.
Mỗi năm, cây chè cho 5–6 lứa, năng suất đạt trung bình 18–20 tấn/ha, sản lượng toàn xã khoảng 15.000 tấn chè búp tươi. Nhiều hộ trồng chè đã có thu nhập ổn định từ 70–100 triệu đồng/năm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý, xã Tô Múa đã đẩy mạnh các mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong thu hái, chế biến; thu hút doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm.
Đơn cử như gia đình ông Lường Văn Thắng ở bản Mến người có gần 20 năm gắn bó với cây chè đã đầu tư máy móc hiện đại để tiết kiệm nhân lực. Hay chị Hoàng Thị Mơ ở bản Liên Hưng, từ năm 2019 đã áp dụng mô hình trồng chè hữu cơ, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập rõ rệt.
Nâng tầm giá trị, hướng tới thương hiệu chè quốc gia
Nhận thấy tiềm năng đặc biệt của chè Shan tuyết Tô Múa, chính quyền địa phương đã xác định rõ mục tiêu phát triển bền vững, gắn sản xuất với xây dựng thương hiệu. Các hợp tác xã sản xuất chè được thành lập, hoạt động theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân về sản xuất chè an toàn, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Đặc biệt, việc có tới 105 cây chè cổ thụ ở Tô Múa được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” không chỉ là minh chứng cho giá trị sinh học, văn hóa và lịch sử của cây chè nơi đây, mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà. Một ngày giữa đại ngàn xanh mướt, thưởng trà Shan tuyết trong không gian thanh tịnh, nhâm nhi từng ngụm trà cổ thụ ủ trong bàn tay và hơi thở của người bản địa, là một trải nghiệm không dễ có được.
Trà Shan tuyết Tô Múa không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là tinh hoa của thiên nhiên, lịch sử và văn hóa miền núi Tây Bắc. Hương vị đậm đà, bản sắc rõ nét, giá trị kinh tế lẫn tinh thần sâu sắc tất cả tạo nên một biểu tượng sống động về mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Với định hướng đúng đắn và sự đồng lòng của cộng đồng, trà Shan tuyết Tô Múa hoàn toàn có thể vươn xa, ghi tên trên bản đồ những danh trà quý hiếm của Việt Nam và thế giới.