Với quy mô thị trường lớn, gồm 27 nước thành viên, dân số trên 500 triệu dân, EU được coi là thị trường tiềm năng lớn về các mặt hàng nông sản như: Rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo, hạt tiêu, cao su. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, EU chủ yếu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp chưa qua chế biến, trong khi hàng hóa xuất khẩu từ Liên minh châu Âu chủ yếu là sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến. Như vậy có thể thấy, với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển, EU cần một lượng rất lớn sản phẩm nông nghiệp hàng năm. Với dung lượng nhập khẩu hàng năm lớn, đa dạng về chủng loại, EU được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các nước xuất khẩu nông sản.
Theo Bộ Công Thương, nhờ tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông sản sang EU trong năm 2021 đã tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.
Cà phê là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang EU, khi đạt 939 triệu USD trong 11 tháng 2021, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2020. EU cũng đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu hạt điều sang EU trong 11 tháng 2021 đạt 122.000 tấn, tương đương 734 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Trong 11 tháng 2021, xuất khẩu cao su sang EU đạt khoảng 100.000 tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng mạnh 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu rau quả đạt 173 triệu USD, tăng 7,6%; xuất khẩu hạt tiêu đạt khoảng 40.000 tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng mạnh 63,9% về trị giá; xuất khẩu gạo đạt khoảng 54.000 tấn, tương đương 38 triệu USD, chỉ tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá; xuất khẩu chè đạt khoảng 3 triệu USD, tăng 21,6%.
Về thị trường, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các thị trường chủ lực của Việt Nam tại khu vực EU đều tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ. Cụ thể, thị trường Đức đạt 641 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU); Hà Lan đạt 500 triệu USD, tăng 1,9% (chiếm 22,5%); Italy đạt 285 triệu USD, tăng 3,2% (chiếm 12,8%,); Tây Ban Nha đạt 202 triệu USD, giảm nhẹ 0,6% (chiếm 9%); Pháp đạt 142 triệu USD, tăng 25,2% (chiếm 6,4%) ...
Bộ Công Thương dự báo, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022. Trong đó, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có. Đặc biệt là thị trường cà phê đặc sản đang phát triển ở EU, mang đến những cơ hội cho các nhà xuất khẩu. Cà phê là một trong những thực phẩm thiết yếu tại EU, dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại nhà của người dân EU tăng. Đức và Tây Ban Nha là những quốc gia tiêu thụ cà phê hữu cơ và cà phê thông thường lớn nhất ở EU. Đức cũng là nước nhập khẩu cà phê hữu cơ lớn ở EU.
Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại 2 thị trường lớn nhất ở EU là Hà Lan và Đức cuối năm 2021 liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và sự thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân EU, bao gồm nhu cầu ngày càng tăng về các lựa chọn ăn vặt lành mạnh và các nguồn protein thực vật. Điều này cho thấy triển vọng khả quan của hạt điều xuất khẩu sang EU trong năm 2022. Đặc biệt, với việc những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0% theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở thị trường EU trên dưới 6% về giá trị.
Xuất khẩu cao su tuy bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nhưng với việc giá cao su tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2021 và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều khả năng cao su xuất khẩu sang thị trường EU tiếp tục đạt được mức kim ngạch tốt trong năm 2022. Các chủng loại cao su xuất khẩu chủ yếu sang EU năm 2021 là: cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật (TSNR); TSNR loại khác; mủ cao su cô đặc bằng phương pháp ly tâm (SEN) …
Trái cây là một trong những sản phẩm tiềm năng Việt Nam cần tập trung khai thác lợi thế từ Hiệp định EVFTA, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang EU. Nhu cầu về trái cây đang có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe. Các chủng loại trái cây tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường EU trong thời gian tới là me tươi, điều, mít, vải, mận, chanh dây, khế, thanh long, ổi, xoài và măng cụt ...
Theo EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi Hiệp định có hiệu lực, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5-9%. Như vậy, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thuận lợi tại thị trường EU.
Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư trong khối EU đang xem xét chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU. Dự báo trong năm 2022, hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền và hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền tiếp tục là hai dòng hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này.
Với mặt hàng gạo, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU không dưới 60 nghìn tấn bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đã có một lượng khách hàng truyền thống tại Đức, Hà Lan, Italy và Ba Lan. Nhìn chung, xuất khẩu gạo sang EU trong năm 2022 vẫn duy trì kim ngạch tăng trưởng tốt. Đặc biệt, với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ EVFTA chưa được lấp đầy trong năm 2021, cũng như xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây, nếu chủ động tốt trong nguồn cung, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.
Đáng lưu ý, đối với mỗi mặt hàng, EU có những tiêu chuẩn riêng và có sự khác biệt trong những năm khác nhau. Bên cạnh đó, EU còn là thị trường có sự cạnh tranh gay gắt nên hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này phải có chất lượng sản phẩm cao, mẫu mã bao bì phải luôn được đổi mới, bắt mắt. Trình độ phát triển kinh tế xã hội của các thành viên là khá đồng đều cho nên người dân thuộc khối EU có đặc điểm chung về sở thích, thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng Châu Âu thường có sở thích và thói quen sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới vì họ cho rằng những nhãn hiệu nổi tiếng này gắn với chất lượng sảm phẩm và có uy tín lâu đời cho nên dùng những sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng sẽ rất an toàn về chất lượng và an tâm cho người sử dụng. Đây là thị trường có mức thu nhập khá cao, cái mà thị trường này cần đó là thương hiệu gắn với chất lượng chứ không phải chỉ là giá cả.
Bên cạnh việc sử dụng thuế quan cho hàng nông sản thì EU còn sử dụng: Tiêu chuẩn thị trường chung CAP cho mọi sản phẩm tươi (chất lượng-bao bì-nhãn mác). Nếu được xét đủ 3 điều kiện này thì được cấp CAP và được vào EU. Đặc biệt cần lưu ý đến quá trình canh tác để đảm bảo các điều kiện của CAP. Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần giảm tối đa các dư lượng cho phép (thuốc trừ sâu, thuốc thú ý) để được vào EU. Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm định động thực vật (SPS) đưa ra các quy tắc cơ bản đối với các tiêu chuẩn an toàn của thực phẩm và sức khỏe vật nuôi cây trồng, được áp dụng riêng cho từng quốc gia và thống nhất trên thế giới trong khuôn khổ WTO. Thị hiếu tiêu dùng của người dân EU ngày càng ưa chuộng các loại thực phẩm lành mạnh. Vì vậy, để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU, sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng nói chung và các tiêu chuẩn quy định bởi Ủy ban châu Âu, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bảo An (t/h)