Cụ thể, Nhập khẩu tháng 1 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% (tương ứng tăng 1,25 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tháng 1 năm nay ước tăng 33,3% (tương ứng tăng 7,66 tỷ USD).
Với hoạt động thương mại diễn ra sôi động ngay từ đầu năm đã giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước đạt 64,2 tỷ USD, tăng 37,7% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại trong tháng 1 ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Đáng chú ý, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 30.650 tỷ đồng, đạt 8,2% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Về cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).
Đối với xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.
Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước là do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 4,6% so với tháng trước, ước đạt 1,4 tỷ USD. Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%, ước đạt 1,3 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,1%, ước đạt 900 triệu USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan , trong tháng 1 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hoạt động vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng, tập trung tại một số địa phương như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn...Trong đó có vụ việc các đối tượng vận chuyển lên đến hơn 1.100 kg pháo nổ tại Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu cũng là các mặt hàng được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hướng tới, tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng...
"Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới gia tăng đột biến về quy mô, số lượng vụ việc vi phạm. Trong đó, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Tuyến đường bộ từ Lào thực hiện trung chuyển qua Việt Nam", Tổng cục Hải quan cho hay.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 12/2023 và tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Trung Quốc tăng 57,8%, ước đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, ước đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, ước đạt 3,04 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 39,6%; Hàn Quốc ước tăng 22,4%; EU ước tăng 18%...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 01/2024 với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,12 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,04 tỷ USD.
Tháng 1/2024, xuất siêu sang thị trường Mỹ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang EU ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 200 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 138 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24,9%; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 704 triệu USD, giảm 11,4%.
Theo dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng. Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024, có vai trò quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Các chuyên gia lưu ý việc cân bằng và đa dạng hóa giữa các thị trường, khách hàng và chủng loại sản phẩm cung ứng rất quan trọng. Nhất là vừa có thể duy trì được khách hàng và thị trường truyền thống, vừa tránh được việc "bỏ trứng vào 1 giỏ" khi thị trường gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cần ở tâm thế sẵn sàng để đón các cơ hội quay trở lại, cũng như linh hoạt ứng phó trước các thách thức, có được sách lược phù hợp nhất cho mình.
Tiến Hoàng