Được thành lập từ năm 1956, Đại học Bách khoa Hà Nội là một cơ sở đào tạo đại học khối kỹ thuật có truyền thống, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam. Với bề dày 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên và cán bộ nghiên cứu của nhà trường đã luôn tận tuỵ cống hiến cho sứ mạng nghiên cứu, phát triển tri thức và đào tạo những con người ưu tú, phục vụ xã hội và đất nước. Sự đóng góp lớn lao của đội ngũ hàng trăm ngàn các lớp cựu sinh viên, những người đã và đang giữ nhiều vị trí quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội; đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Điều đó đã góp phần làm nên danh tiếng của ĐHBK Hà Nội trong nhiều thập kỷ đổi mới và phát triển đất nước.
Thay mặt Ban giám hiệu, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ những thành tựu nổi bật đã đạt được của thầy, trò nhà trường trong thời gian qua. Đồng thời đánh giá những cơ hội, thách thức của đơn vị đối với công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực khối công nghệ, kỹ thuật, IT đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Là một trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu quốc gia, Đại học BKHN đã nhanh chóng chuyển mình bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới cũng như chiến lược chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam.
Trong những năm qua, nhà trường đã mở mới một số ngành đào tạo bám sát nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường lao động. Các kỹ sư của ĐHBK Hà Nội được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm để có thể tham gia quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực; đồng thời sẵn sàng hòa nhập với môi trường làm việc tiên tiến nhưng không kém phần cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới đang có mặt tại Việt Nam.
Về công tác hỗ trợ đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều cơ sở giáo dục đại học khác đang thiếu thông tin phục vụ công tác dự báo nhu cầu của thị trường nhân lực và việc làm. Điều này rất quan trọng trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo. Một trong những yêu cầu của tự chủ đại học là tự chủ về ngành và chương trình đào tạo. Ban lãnh đạo nhà trường luôn tâm huyết trăn trở với chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao, thu hút được nhiều sinh viên và nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đến học tập trao đổi hợp tác, góp phần nâng cao uy tín của Nhà trường trên bản đồ giáo dục thế giới; đồng thời mang lại nguồn thu trong cơ chế tự chủ hiện nay. Cũng theo PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, việc đào tạo kỹ năng, văn hóa doanh nghiệp cũng như tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là những vấn đề hiện nay được nhà trường rất quan tâm hỗ trợ nhằm tránh tình trạng nhân lực đào tạo ra không dùng đến gây ra sự lãng phí; đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao. Do đó công tác tuyển sinh hằng năm và quá trình tổ chức đào tạo rất cần dựa trên những thông tin dự báo chính xác về thị trường lao động trong hiện tại và tương lai từ 5 đến 10 năm tới.
Nhà trường mong muốn Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực sẽ là đơn vị tổ chức kết nối chặt chẽ giữa Nhà trường – Doanh nghiệp – Sinh viên tốt nghiệp, Giám đốc Bùi Văn Linh cũng trao đổi nhiều nội dung quan trọng về định hướng phát triển của Trung tâm, tổ chức hoạt động hỗ trợ cử sinh viên năm cuối của nhà trường đến thực tập tại các tổ chức KT-XH, doanh nghiệp, tìm kiếm nguồn lực xã hội để hỗ trợ sinh cho viên khó khăn, cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc; hoặc tổ chức nhiệm vụ đặt hàng đào tạo cung ứng nhân lực chất lượng cao theo địa chỉ cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp…
Ngoài việc giới thiệu sinh viên tốt nghiệp tới các nhà tuyển dụng; hằng năm Trung tâm sẽ triển khai hoạt động thống kê, đánh giá tình hình việc làm của các kỹ sư, cử nhân thuộc các ngành do Nhà trường đào tạo.
Công tác dự báo, nhu cầu việc làm đối với các ngành đào tạo hiện nay và các ngành nghề mới sẽ xuất hiện trong tương lai sẽ được Trung tâm chú trọng và đầu tư đúng mức cả về nguồn lực vật chất và con người, phối hợp các Viện/Đơn vị nghiên cứu bố trí chuyên gia chất lượng tốt để cùng triển khai công tác dự báo nhân lực.
Kết thúc buổi làm việc, Lãnh đạo hai bên (TSC - HUST) đã thống nhất cao về việc xây dựng chương trình phối hợp triển khai thiết thực các nội dung nói trên, sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội; cũng như sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này để xây dựng thành công nền kinh tế tri thức, kinh tế số.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Giám đốc Trung tâm Bùi Văn Linh đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tập thể lãnh đạo, giảng viên và cán bộ của Đại học Bách khoa Hà Nội; đặc biệt, chúc thầy và trò nhà trường tiếp tục phát huy những truyền thống và thành tựu đã đạt được để vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học (2021-2022) và các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phấn đấu trở thành một Đại học Bách Khoa Hà Nội./.
Sơn Thủy