Trung thu ăn bánh thưởng trà

Vị ngọt ngào của bánh hòa quyện cùng vị đắng chát của trà, trong sự thanh khiết của trà có sự cầu kỳ của chiếc bánh trung thu. Sự viên mãn mà người dân ta cầu mong trong dịp lễ trung thu chính là sự tổng hòa của vị ngọt và đắng trong trà và bánh.

Trung thu là một trong 3 cái tết lớn nhất của người Việt, Tết Trung thu hay còn gọi là tết đoàn viên. Đây là lúc mọi thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ, cùng nhau quây quần ăn bánh, uống trà, ngắm trăng.Thói quen ăn bánh trung thu, uống trà nóng đã trở thành một nét văn hóa của người dân Việt Nam.

Trung thu ăn bánh thưởng trà  - Ảnh 1

Chẳng phải tự nhiên mà trà lại là thức uống được “chọn mặt gửi vàng” để ăn cùng loại bánh này. Lí do đơn giản nhất là sau khi ăn một miếng bánh ngọt ngào, người ta dường như chưa thỏa mãn vị giác. Uống trà ban đầu tưởng là làm dịu vị bánh ngọt nhưng thật ra trà có cái ngọt hậu, nó làm kéo dài, day dứt hơn cái vị thơm ngon của bánh ban đầu.

Có lẽ vì thế nên hiếm có thứ thức uống nào thay thế được trà nóng trong nghệ thuật dùng bánh Trung thu. Nguồn nguyên liệu tươi ngon, chất lượng từ các vùng chè nổi tiếng nhất đất nước đã tạo nên hương vị của những cốc trà xanh hảo hạng. Thói quen ăn bánh Trung thu phải có cốc trà đã trở thành một nét văn hóa. Nhưng rõ ràng, cả hai nhân tố trên đã hòa quyện qua ngàn đời để tạo thành một câu chuyện trong ẩm thực dân tộc.

Nhiều chuyên gia ẩm thực cho rằng, sở dĩ người xưa chọn trà mà không phải là thức uống khác để ăn cùng bánh trung thu đó là bởi vị giác. Sau khi ăn một miếng bánh ngọt, béo, người ta vẫn chưa thỏa mãn vị giác. Uống một ngụm trà ngon nhất, vị đắng chát sẽ làm dịu đi cái ngọt của bánh. Dư âm để lại cuối cùng là vị thơm ngọt của bánh hòa quyện với vị ngọt hậu của trà. Chính sự kết hợp đó khiến trà trở thành thức uống hoàn hảo với bánh trung thu.

Trung thu ăn bánh thưởng trà  - Ảnh 2

Bánh Trung thu từ lâu là biểu tượng của sự tròn đầy, viên mãn, đoàn viên. Nhưng ẩm thực Việt Nam khác nước ngoài ở chỗ chúng ta tinh tế xen kẽ nhiều vị vào trong một món. Từ nghệ thuật ăn uống, ta có thể thấy trong ngọt của bánh có vị đắng chát của trà. Trong cái dịu dàng, thanh khiết của trà có sự phức tạp, cầu kì của bánh. Nghệ thuật ẩm thực của ông cha chính là sự đan xen vào nhiều yếu tố. Món ăn cũng như cuộc đời, không bao giờ mãi mãi tồn tại chỉ một mùi vị! Sự viên mãn mà người ta mong cầu trong ngày rằm tháng Tám thực ra lại dễ dàng cấu thành bởi chút ngọt ngào và chát dịu trong đời. Trà và bánh của ngày Trung thu đã giao thoa những hương vị rất đời như thế.

Ngày nay, có rất nhiều loại thức uống ra đời, nhưng vào dịp Trung thu, chắc chắn người Việt dù trẻ dù già cũng chọn cho mình những tách trà nóng. Trà ướp qua hương hoa nhài, hương sen tỏa hơi giữa một tối trăng tròn đã làm thăng hoa thêm những chiếc bánh tròn trịa.