Nguồn gốc của sự kết hợp giữa trà và bánh trung thu
Nhiều chuyên gia ẩm thực cho rằng, sở dĩ người xưa chọn trà mà không phải là thức uống khác để ăn cùng bánh trung thu đó là bởi vị giác. Sau khi ăn một miếng bánh ngọt, béo, người ta vẫn chưa thỏa mãn vị giác. Uống một ngụm trà ngon nhất, vị đắng chát sẽ làm dịu đi cái ngọt của bánh. Dư âm để lại cuối cùng là vị thơm ngọt của bánh hòa quyện với vị ngọt hậu của trà. Chính sự kết hợp đó khiến trà trở thành thức uống hoàn hảo với bánh trung thu.
Giữa không khí đầm ấm bên gia đình, miếng bánh đại diện cho cái tết Trung thu là sự kết nối giữa các thành viên. Còn trà là thứ giữ vững, củng cố mối quan hệ giữa mọi người. Bên cạnh tiếng cười nói, múa hát là những câu chuyện tâm tình đầy tình thương. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, thời tiết mát lành, nó lại khiến không khí thêm êm dịu, nhẹ nhàng. Bởi vậy, trà ấm cùng bánh trung thu tạo nên một bầu không gian tuyệt vời mà không sự kết hợp nào có được.
Trong vị ngọt ngào của bánh có vị đắng chát của trà. Trong sự thanh khiết của trà có sự cầu kỳ của chiếc bánh trung thu. Sự viên mãn mà người dân ta cầu mong trong dịp lễ trung thu chính là sự tổng hòa của vị ngọt và trái đắng trong cuộc đời.
Ngày nay, dù có rất nhiều loại thức uống nhưng trà vẫn được ưu ái kết hợp cùng bánh trung thu mỗi dịp trăng rằm. Ăn một miếng bánh, nhấp một ngụm trà, người ta như tìm được giây phút thảnh thơi giữa cuộc đời lắm bộn bề. Thưởng trà trong dịp lễ trung thu như tăng thêm sự đoàn viên, sum vầy. Chính vì thế, nó trở thành một “nghi thức” không thể thiếu vào dịp lễ này.
Những loại trà phù hợp để uống khi ăn bánh trung thu
Chọn trà phù hợp với các dịp lễ và hợp sở thích là việc rất quan trọng. Trong ngày lễ Trung thu lại càng quan trọng, đặc biệt là đối với những người thích thưởng trà. Ngoài chọn chiếc bánh đặc biệt, bạn cần phải xem xét ăn bánh trung thu uống trà gì thì thích hợp nhất. Dưới đây là một số loại trà bạn có thể tham khảo để có một cái tết trọn vị.
Trà xanh: Trà xanh và bánh trung thu có một mối liên kết dịu dàng, vô tận. Thưởng thức miếng bánh ngọt và nâng niu chén trà xanh ấm nồng trên tay mới thấy cảm xúc thật khó tả. Vị “tiền chát ngọt hậu” của trà tạo nên một cảm giác gần gũi, ấm cúng. Không chỉ để nếm trải hương vị, trà xanh còn là một món quà ý nghĩa khi biếu tặng mọi người.
Trà đen: Nguyên liệu chế biến trà đen cũng giống như trà xanh, nhưng được ủ men oxy hóa. Khi đó, các enzym trong trà bị tối màu đi. Vị trà khi pha mạnh hơn trà xanh. Trà đen thường đi kèm với bánh trung thu làm từ tỏi đen độc đáo. Bánh có lớp vỏ bánh đen, mềm thơm. Nhân bánh là sự kết hợp giữa những tép tỏi với đậu xanh, đậu đen… Những tép tỏi đen dẻo có vị chua nhè nhẹ hòa quyện với lớp nhân thật thơm ngon. Bộ đôi trà đen - bánh trung thu tép tỏi là cặp đôi bánh - trà huyền bí đầy thú vị.
Trà Ô long: Đối với hầu hết các loại bánh trung thu mặn ngọt nhẹ, uống trà Ô long là một sự lựa chọn tốt. Bởi trà Ô long với hương vị dịu dàng hài hòa, còn có thể thúc đẩy bài tiết axit dạ dày và giúp hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế hấp thu chất béo. Uống trà Ô long trong đêm thu là sự lựa chọn tinh tế lại ít gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Những loại trà này không những giúp bạn không cảm thấy ngấy khi ăn bánh mà những chất chống oxy hóa trong trà còn có tác dụng hạn chế sự tích trữ của dầu, mỡ và những chất béo khác trong cơ thể. Chính vì vậy, bạn sẽ không hề quá lo lắng tới chuyện tăng cân nếu như ăn nhiều bánh Trung thu.
Những thực phẩm khác nên ăn, uống cùng bánh trung thu
Bạn có thể tham khảo một số cách kết hợp thực phẩm với bánh trung thu có lợi cho sức khỏe như sau:
Rượu vang đỏ: Đây là một sự kết hợp thời thượng rất được thịnh hành hiện nay. Xét theo góc độ dinh dưỡng, trong rượu vang chứa rất nhiều axit amin, khoáng chất và vitamin, có thể loại bỏ sự béo ngậy của bánh, hai thứ này có thể hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra, cũng giống như các loại bánh mặn khác, uống rượu vang có vị chát nhẹ có thể giảm bớt độ ngấy của bánh trung thu, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa.
Hoa quả: Theo các chuyên gia ẩm thực, bánh trung thu và hoa quả cũng là một sự kết hợp tuyệt vời. Bánh có vị ngọt dễ gây ngấy, nếu ăn cùng với những loại quả có vị chua chẳng hạn như cam, bưởi, kiwi, táo… thì không chỉ có thể giảm bớt cảm giác ngấy, mà còn có thể có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm lượng mỡ tích tụ. Do đó, đây là sự kết hợp thực phẩm rất lành mạnh.
Cháo ngũ cốc: Cháo ngũ cốc rất giàu thành phần dinh dưỡng toàn diện, không những chứa nhiều carbonhydrate, chất béo, các loại vitamin, còn có cả các thành phần dinh dưỡng như canxi, kali, sắt, kẽm, chất xơ…
Vào mùa thu, nếu ăn quá nhiều bánh trung thu giàu calo và đường, sẽ khiến dạ dày khó chịu. Lúc này bạn có thể chọn món cháo ngũ cốc để làm dịu dạ dày. Cháo ngũ cốc giúp bổ sung chất xơ cho cơ thể và hỗ trợ việc tiêu hóa tốt hơn, đặc biệt là đốt cháy lượng mỡ vào cơ thể. Do đó, nếu muốn đánh tan lượng dầu mỡ trong cơ thể, sau khi ăn bánh trung trung, bạn hãy ăn thêm một bát cháo ngũ cốc nóng.
Di Linh