Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình

Trường Đại học Tôn Đức Thắng – cơ sở giáo dục đại học thành công nhất với mô hình tự chủ đã thực hiện trách nhiệm giải trình như thế nào?

Trường ĐH Tôn Đức Thắng.  
Trường ĐH Tôn Đức Thắng.  

Tự chủ đại học là một chính sách lớn của Đảng và Chính phủ. Từ mức chỉ thí điểm ở một số cơ sở giáo dục đại học, giờ đây các trường đủ điều kiện có thể “tự quyết” quyền tự chủ của mình. Tuy nhiên, tự chủ đại học luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình.

Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định “Cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật”.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng với khởi đầu gần như tay trắng, qua 23 năm hoạt động không có ngân sách đầu tư của nhà nước, nhưng do được tự chủ từ đầu, Trường đã phát triển rất nhanh.

Trong những năm qua Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã trở thành hình mẫu thành công về thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học công lập, là nguồn cảm hứng để các trường đại học khác khi thực hiện tự chủ học tập và làm theo.

Vậy Trường Đại học Tôn Đức Thắng khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học đã thể hiện trách nhiệm giải trình thế nào?

Thứ nhất, đó là việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đẳng cấp quốc tế. Khách đến thăm Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều cảm nhận được sự hiện đại và đồng bộ của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thể dục-thể thao và vui chơi, giải trí. Các phòng học, phòng thí nghiệm, chuỗi phòng mô phỏng nghiệp vụ, thư viện, ký túc xá, hồ bơi, sân vận động đều đạt chuẩn quốc tế.

Đặc biệt Thư viện Truyền cảm hứng (Inspire Library) của Trường với tổng vốn đầu tư 129 tỉ đồng được đánh giá là thư viện hiện đại nhất Việt Nam. Điều này thể hiện Nhà trường đã dành một phần kinh phí đáng kể từ các nguồn thu để đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên.

SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành.
SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành.

Thứ hai, đó là việc tham gia kiểm định chất lượng quốc tế. Nhận thức rõ kết quả kiểm định bởi các tổ chức uy tín là sự xác nhận rõ ràng nhất cho tính hiệu quả và chất lượng các hoạt động của trường đại học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã trú trọng kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín. Trường đã được kiểm định bởi Hội đồng cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp (HCÉRES).

Ngoài ra, 04 chương trình đào tạo đã được Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đánh giá và công nhận.

Hiện tại 12 chương trình khác đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký kiểm định với AUN-QA và FIBAA (Đức). Lộ trình đến năm 2025, tất các các chương trình đào tạo của Trường sẽ được kiểm định quốc tế. Đây là cam kết đảm bảo chất lượng mạnh mẽ của Lãnh đạo Nhà trường; bởi để được kiểm định và công nhận về trường học và/hoặc chương trình đều phải thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí rất đa diện, ngặt nghèo về số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ/ngành giáo dục, công bố quốc tế của giảng viên, đề cương chi tiết việc giảng dạy đến từng tiết, tài liệu học tập, phương pháp thực hành, cách đo lường kết quả người học; sự đáp ứng về cơ sở vật chất, thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành; cách thức đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học sinh viên, trách nhiệm cộng đồng, ý kiến của doanh nghiệp....

Thứ ba, đó là việc được xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín. Ngoài kiểm định trường học và chương trình như là thước đo của sự minh bạch về chất lượng; thì được nằm trong danh sách của các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín cũng là một cách “giải trình” minh bạch nhất.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy nhất được Tổ chức xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới (ARWU), tổ chức xếp hạng đại học quốc tế khó nhất và uy tín nhất hiện nay xếp hạng và ở Top 1000 trường đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2019; trong năm 2020, ARWA cũng xếp 01 ngành của Trường vào Top 400 và 02 ngành vào Top 500.

Năm 2019, Tổ chức xếp hạng đại học theo thành tựu học thuật (URAP) cũng xếp 10 ngành/nhóm ngành của Trường vào Top 400 và 900 thế giới. Ngoài ra, Xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THE Impact Rankings 2020) cũng xếp Trường vào Top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới.

Thứ tư, đó là kết quả 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng ra trường. Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn cam kết với sinh viên, phụ huynh và xã hội 100% người học ra trường đều có việc làm trong vòng 12 tháng. Các số liệu cho thấy trong ba năm trở lại đây, tỷ lệ sinh viên của Trường có việc làm và/hoặc tự tạo việc làm trong vòng 01 năm kể từ thời điểm tốt nghiệp luôn đạt 100%; trong đó, tỷ lệ có việc làm liên quan đến ngành đã học đạt 92,5%.

Có được kết quả này là do nhiều nhân tố, trong đó việc xây dựng được chuẩn đầu ra của sinh viên và công bố ngay từ khâu tuyển sinh đóng vai trò quan trọng. Chuẩn đầu ra của sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng quy định: kiến thức chuyên ngành phải đạt chuẩn quốc tế, chuẩn tiếng Anh phải đạt từ IELTS 5.0 trở lên, trình độ tin học văn phòng phải đạt MOS quốc tế tối thiểu 750/1.000 điểm, chơi giỏi ít nhất một môn thể thao và phải bơi được liên tục tối thiểu 50m.

Thứ năm, đó là kết quả khảo sát sự hài lòng của các bên liên quan đến hoạt động của trường đại học về chất lượng của Trường. Hằng năm, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều tiến hành khảo sát sinh viên, phụ huynh, chuyên gia quốc tế, cựu sinh viên và nhà sử dụng lao động về chất lượng hoạt động của Trường (riêng khảo sát sinh viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên được thực hiện 2 lần/năm). Các kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ hài lòng với mức độ “Khá hài lòng” trở lên luôn đạt trên 97%.

Tất cả các nhận xét, khuyến nghị của người được khảo sát đều được các đơn vị chức năng và các khoa phân tích để đưa vào cải tiến, có hành động khắc phục ngay nhằn không những nâng cao chất lượng giảng dạy và phục vụ mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững cho Trường.

Như vậy, khi triển khai tự chủ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện trách nhiệm giải trình với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan rất rõ ràng, công khai, minh bạch.

Chính trách nhiệm giải trình này đã giúp Nhà trường tạo dựng được niềm tin về chất lượng đối với nhà nước, xã hội cả trong và ngoài nước.

Ts Nguyễn Hữu Cương

Theo Giáo dục & Thời đại