Ngành chè thế giới
Trà (chè) không chỉ là loại cây công nghiệp lâu đời nhất thế giới, là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Ở xã hội hiện đại, ngành trà là thành tố góp phần giảm nghèo cùng cực và chấm dứt nạn đói, bởi tạo ra việc làm, nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế của cộng đồng tham gia sản xuất và kinh doanh trà.
Theo nhiều nghiên cứu, cách đây hơn 5000 năm ngành chè đã được tiêu thụ tại Trung Quốc. Theo ghi nhận, chè có nguồn gốc từ Bắc Myanmar, Đông Bắc Ấn Độ hoặc Tây Nam Trung Quốc.
Ngành trà gặp khá nhiều khó khăn trong trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ. Nhóm trà liên chính phủ kêu gọi việc hướng tới những nỗ lực lớn hơn nhằm mở rộng nhu cầu đặc biệt ở các quốc gia sản xuất, nơi tiêu thụ bình quân đầu người không được cao. Do bình quân đầu người đang giảm ở các nước nhập khẩu chè truyền thống. Nhận thức được lịch sử lâu đời và ý nghĩa văn hóa và kinh tế của chè trên toàn thế giới, cũng như vai trò quan trọng của chè đối với phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, cuối năm 2019, Đại hội đồng LHQ đã chọn ngày 21/05 hàng năm là Ngày Chè Quốc Tế..
Ngày 21/05 hàng năm đã trở thành một dịp quốc tế để toàn thế giới nhìn về ngành chè, tôn vinh di sản văn hóa của trà, nhận thức về lợi ích sức khỏe và vai trò kinh tế quan trọng của cây chè và sản phẩm trà. Đồng thời, ngày này cũng là một cơ hội để thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững, đảm bảo lợi ích của trà đối với con người, văn hóa và môi trường qua nhiều thế hệ. Ngày Chè Thế giới là cơ hội để tôn vinh di sản văn hóa, lợi ích sức khỏe và tầm quan trọng kinh tế của trà, đồng thời nỗ lực để sản xuất trà bền vững “từ vườn chè đến cốc trà”, đảm bảo lợi ích của trà cho con người, văn hóa và môi trường được tiếp tục qua nhiều thế hệ.
Trong suốt hơn 5.000 năm phát triển, ngành chè trên toàn thế giới đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và xã hội. Những giá trị lịch sử lâu đời và nền văn hóa sâu sắc của trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Ngày Chè Thế giới đã xuất hiện như một bước tiến đột phá, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao giá trị của cây chè.
Tương lai chè Việt
Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn trong việc sản xuất chè. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu, hàng năm cung cấp 1 triệu tấn búp chè xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ... Những năm gần đây ngành chè Việt Nam không chỉ sản xuất trong nước mà còn vươn ra thế giới, đem lại một giá trị kinh tế khá lớn cho xã hội, tạo được cơ hội việc làm cùng thu nhập để cải thiện cuộc sống người dân.
Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích ổn định ở mức 130 nghìn ha, năng suất bình quân đạt mức khoảng 8,0 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt khoảng 192 nghìn tấn. Diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn phải kể đến như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).
Theo đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam, trong thời gian gần đây, ngành chè Việt đã có những bước tiến tích cực. Năng suất và sản lượng chè liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Trong hoạt động chế biến chè, đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến chè với mức độ cơ giới hoá cao được bổ sung thay thế tại nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành chè đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và từng bước nâng cao giá trị gia tăng, đã sản xuất và làm chủ được công nghệ trồng, canh tác, chế biến chè matcha, chè uống liền từ nguyên liệu chè trong nước. Sản phẩm mới đang được thị trường đón nhận giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Các doanh nghiệp sản xuất chè Shan rừng đã có nhiều thay đổi, nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới, phát huy được lợi thế của trà cổ thụ Việt Nam.
Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn như vậy, nhưng ngành Chè Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cần thay đổi để tạo được bước đột phá, xây dựng thương hiệu uy tín để bạn bè quốc tế biết đến chè thương hiệu Việt Nam chất lượng.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Tổng Thư kí Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: Vấn đề hiện nay mà mọi người đều quan tâm là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, có chứng nhận tốt nhằm đảm bảo chất lượng để xuất sang những thị trường khó tính, cùng với đó là giá trị sản phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó, trong tương lai chúng ta sẽ từng bước xây dựng được thương hiệu chè Việt để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, yên tâm để sử dụng chè Việt. Thay vì xuất khẩu chè thô thì chúng ta hướng đến xây dựng thương hiệu chất lượng cho chè. Việc này không thể làm trơng ngày một ngày hai mà chúng ta đã đang và sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đó.
Từ vườn chè đến văn hóa trà
Không phải ngẫu nhiên mà văn hóa trà ngày càng phát triển trong cuộc sống nhiều bộn bề và hối hả ngày nay. Giữa sự năng động, huyên náo, nhanh vội của đời sống công nghiệp, con người ta rất cần những giây phút lắng đọng, để não được nghỉ ngơi và tâm được an tĩnh.
Sự hoà quyện giữa thiền và trà giúp con người dễ dàng đi vào sự định tâm, từ đó sống chậm lại và an trú trong hiện tại “Hạnh phúc, bây giờ và ở đây”. Thưởng trà – lời mời trà mộc mạc, chân thành, nhưng đó cũng là một công án thiền trứ danh mà người thưởng trà, yêu trà và ngẫm trà nào cũng biết đến.
Văn hoá trà hiện hữu trong tất cả các hoạt động đời sống của người Việt Nam, từ sinh hoạt thường nhật cho đến những ngày lễ tết trọng đại. Trong cuốn Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt, tác giả Trần Quang Đức đã viết “Không đâu như ở Việt Nam, trà có mặt ở rất nhiều cung bậc, từ đơn sơ, giản dị, hồn hậu đến cầu kỳ, tinh tế. Trà có thể “ngự” từ dinh thự công quyền đến hang cùng ngõ hẻm, đâu cũng có trà”.
Người Việt Nam vốn trọng tình, trọng nghĩa, chỉ mượn tuần rượu, tuần trà để hòa kết, giao tình. Chính vì vậy, không nặng tính nghi thức trong thưởng lãm trà. Đạo trà Việt chỉ thận trọng ở cách dâng mời đầy ngụ ý. Dù vui hay buồn, dù nắng hay mưa, khách cũng không thể từ chối một ly trà nóng khi thân chủ dâng mời bằng cả hai tay.
Dâng trà, biếu trà là biểu thị sự lễ độ. Uống trà lại là một ứng xử văn hóa khác. Uống từng ngụm nhỏ để cảm nhận hết các dư vị của trà. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu những lời tâm sự, để bàn chuyện thế thái nhân tình, để cảm thấy hương vị thiên nhiên gắn quyện trong trà tỏa hơi ấm qua bàn tay dù trời lạnh giá. Dâng trà và dùng trà là biểu hiện một phong độ văn hóa, sự thanh cao, tri kỷ, kết giao, lòng mong muốn hòa hợp, xóa đi những đố kỵ, thù hận. Đạo trà Việt đồng nghĩa với sự sảng khoái, tịnh tâm, mưu điều thiện, tránh điều ác, là triết lý về sự tế nhị, thanh cao, suy ngẫm trong tỉnh táo…
Văn hóa trà đã gắn kết với đời sống và tâm linh của người Việt từ bao đời nay. Từ thưở xa xưa, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt, hậu duệ ngưỡng vọng tiền nhân bằng tuần rượu, tuần trà. Khi nhấp từng ngụm trà thơm lừng thì con người càng gần gũi nhau hơn. Đó là ngụ ý cao xa, là ứng xử giao hòa, là tình làng nghĩa xóm, là tinh thần hướng thượng, là đạo nghĩa vẹn tròn.
Mỗi chén trà được trao gửi như sợi dây kết nối các thành viên, các thế hệ thêm gắn chặt vào cội rễ quê hương, bản quán. Và để cho từng giọt trà thấm sâu vào cổ họng để cảm nhận cái ngọt ngào sau mỗi đắng cay, để tin tưởng rằng: Gian khó nào rồi cũng kết thúc có hậu và tương lai luôn xán lạn phía trước.
Không chỉ giới hạn trong biên giới mỗi quốc gia, trà được yêu thích và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Điều này đã phần nào đưa thức uống này trở thành một phương tiện quan trọng giúp gắn kết các quốc gia, cũng như tạo cơ hội cho các nền văn hóa trên toàn thế giới giao lưu và học hỏi lẫn nhau.