Từng bước hồi phục "sức khỏe" đất trồng để sản xuất chè hữu cơ, sinh thái

Việc chuyển sang canh tác chè hữu cơ, sinh thái đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian để từng bước hồi phục "sức khỏe" cho đất trồng chè, sau một thời gian dài bị suy thoái do lạm dụng hóa chất trong sản xuất. Việc canh tác chè hữu cơ, sinh thái không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và môi trường, mà còn góp phần bảo vệ và nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên quý giá này.

Chè là cây trồng quan trọng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực trung du và miền núi, với giá trị xuất khẩu hàng năm hơn 200 triệu USD và tạo việc làm cho hàng triệu người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu trong canh tác truyền thống của cây chè đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân và môi trường.

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng sạch đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm hữu cơ, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng. Nhiều nông hộ đang áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ/sinh thái cho cây chè để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Song, việc nghiên cứu và phát triển các mô hình canh tác này vẫn còn hạn chế và cần được quan tâm và đầu tư.

Từng bước hồi phục "sức khỏe" đất trồng để sản xuất chè hữu cơ, sinh thái - Ảnh 1

Từ năm 2019 đến nay, nhóm cộng sự gồm nghiên cứu sinh Lê Viết San (Đại học Deakin) và các chuyên gia từ Đại học Deakin (Úc), Liên minh Đa dạng sinh học và Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (Alliance Biodiversity & CIAT), Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD - Cộng hòa Pháp), Mạng lưới Công nghệ sinh học vi sinh vật (CMBP) và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã thực hiện nghiên cứu, đánh giá và chỉ ra các hạn chế, tác động tiêu cực và lâu dài của canh tác chè truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu hóa học đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ...

Các tác động đó bao gồm suy thoái về vai trò, đặc tính (hóa, lý tính và sinh học) của đất, đặc biệt là chua hóa (acid hóa) đất trồng chè nhanh chóng, từ đó gây suy giảm sự đa dạng cũng như chức năng của các hệ sinh vật trên đất, giảm năng suất và chất lượng cây chè, gây ra nhiều nguy cơ về ô nhiễm đối với môi trường và sức khỏe con người.

Từng bước hồi phục "sức khỏe" đất trồng để sản xuất chè hữu cơ, sinh thái - Ảnh 2

Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã khuyến cáo một số phương pháp canh tác chè bền vững, hiệu quả có thể được áp dụng để thay thế dần canh tác truyền thống, đó là canh tác hữu cơ/sinh thái, sử dụng một số biện pháp như bón vôi, các chế phẩm sinh học để hạn chế đất trồng chè bị chua hóa, từng bước hồi phục "sức khỏe" đất trồng chè, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất chè tại Việt Nam.

Một số mô hình tiêu biểu như so sánh mô hình canh tác hữu cơ/sinh thái và các mô hình canh tác thông thường tại Tân Cương (Thái Nguyên), nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các hộ dân/HTX áp dụng mô hình canh tác hữu cơ/sinh thái có thể có thu nhập cao hơn từ 180 - 200 triệu đồng/ha so với nông hộ áp dụng các biện pháp canh tác truyền thống.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phổ biến của canh tác chè truyền thống là do sản phẩm truyền thống có giá bán cao hơn so với sản phẩm hữu cơ/sinh thái. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp canh tác an toàn, bền vững này cũng tạo điều kiện tốt hơn để nông dân và các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và các chương trình hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật từ các cơ quan trong và ngoài nước.

Đặc biệt, phương pháp canh tác chè hữu cơ/sinh thái có thể duy trì và cải thiện rõ rệt các đặc tính và chức năng của đất, các chỉ tiêu về chất lượng búp chè, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như tàn dư thuốc BVTV, kim loại nặng trong đất, trong nước và các sản phẩm chè, từ đó đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề chua hóa đất trồng chè, việc sử dụng vôi bột với lượng bón thích hợp sẽ giúp nhanh chóng cải thiện độ pH đất, qua đó cải thiện độ phì nhiêu của đất. Ví dụ, khi độ pH của đất ở mức 4-4,5, bón vôi bột với lượng 1,5 tấn/ha có thể giúp tăng độ pH đất (giảm độ chua) khoảng 0,4-0,5 đơn vị, từ đó cải thiện môi trường cho sinh vật đất phát triển, giảm nguy cơ nhiễm độc các loại kim loại nặng như nhôm, mangan, tăng cường khả năng cân bằng dinh dưỡng của đất.

Kết quả nghiên cứu này đã được xuất bản trên các tạp chí và hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước như: Environmetal Chemistry Letters, Soil Use and Management, Environmental Sustainability, International Phytobiomes Conference (Hoa Kỳ 2022), 13th International Conference on Agrophysics (Ba Lan, 2021).

Việc áp dụng sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ thân thiện với môi trường cũng tạo ra cơ hội để phát triển hoạt động trải nghiệm, du lịch cộng đồng, từ đó giúp quảng bá mô hình canh tác này và tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất chè.

Bảo Anh