Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) có 13 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Tày (chiếm trên 60% tổng dân số của toàn huyện) với nhiều nét văn hóa độc đáo. Chị Quan Thị Tuyết, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà (Lâm Bình, Tuyên Quang) chia sẻ: Cùng với lễ hội Lồng tông, hát then, thì nghề thêu dệt thổ cẩm cũng trở thành nét sinh hoạt độc đáo và lâu đời nhất của một cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong các bản làng ở Lâm Bình, nghề thêu dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào ý thức gìn giữ và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xác định kinh tế du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của thị trấn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp cụ thể như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quy hoạch xây dựng làng văn hóa tại tổ dân phố Nặm Đíp; khôi phục nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày và đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm du lịch cung cấp ra thị trường; xây dựng khu dịch vụ phục vụ du lịch...
Anh Nguyễn Văn Nhật, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Nặm Đíp, Thị trấn Lăng Can (Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết, tổ dân phố Nặm Đíp đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là những hộ làm homestay, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đầu tư cơ sở vật chất, chế biến món ăn... Ngoài ra, vận động phụ nữ tập trung khôi phục nghề dệt thổ cẩm, liên kết, thành lập Hợp tác xã Thổ Cẩm để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, đã thành lập được Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình với gần 20 thành viên tham gia. Việc thành lập hợp tác xã là cơ hội tốt để hỗ trợ nhau làm nên những sản phẩm thổ cẩm đẹp, tạo thành hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho chị em.
Cùng với đó, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thì cần có nhiều giải pháp, trong đó việc thành lập các câu lạc bộ là quan trọng. Chị Lương Thị Lan, dân tộc Dao tiền ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết: Từ khi thành lập năm 2019 câu lạc bộ đã có quy chế và mục tiêu hoạt động rõ ràng. Đó là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao tiền, như: truyền dạy tiếng nói, chữ viết; duy trì, phát huy giá trị các nghi lễ: cúng tổ tiên, cấp sắc; thêu hoa văn trang trí trên trang phục; truyền dạy các làn điệu Páo dung, các điệu múa trong nghi lễ tín ngưỡng, các trò chơi dân gian…
Được biết để bắt nhịp với xu hướng phát triển, thời gian qua huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo nhằm thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Cùng với các chương trình, dự án đầu tư phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy điện, xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt huyện Lâm Bình còn chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đồng thời thúc đẩy khai thác các tiềm năng, điểm du lịch như hồ Thủy điện Tuyên Quang khu vực huyện Lâm Bình,...
Anh Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên BTV Huyện Ủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, huyện đã tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các DTTS thông qua việc tổ chức, khôi phục những lễ hội truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương, gắn với phát triển du lịch cộng đồng homestay, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện và cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Qua đó, tiếp tục khai thác và bảo tồn những tiềm năng du lịch của huyện, từng bước nâng cao đời sống của người dân, tạo ra những sản phẩm mới về du lịch của huyện Lâm Bình, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trong thời gian tới, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức. Tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh công tác sưu tầm; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, trang phục của một số DTTS có nguy cơ mai một, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch tại địa phương.