Tuyên Quang: Người dân thôn Liên Phương sản xuất chè an toàn, phát triển thương hiệu vươn xa

Phát huy tiềm năng, lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu của vùng quy hoạch phát triển cây chè theo hướng hàng hóa, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, những năm gần đây, người dân thôn Liên Phương (tỉnh Tuyên Quang) đã tăng cường đầu tư các khâu giống, liên kết sản xuất, kỹ thuật chế biến, xúc tiến thương mại nhiều địa phương đã tạo ra những thương hiệu chè nổi tiếng.

Người dân thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang thu hái chè
Người dân thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang thu hái chè

Được biết, các thành viên tổ sản xuất chè an toàn tại Làng nghề chè Liên Phương phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do công ty đề ra, được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoàn trả tiền vật tư nông nghiệp thông qua sản phẩm chè búp tươi.

Kết quả là, từ tháng 1/2018, UBND tỉnh đã công nhận Làng nghề chè Liên Phương. Đây là cơ hội để người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè.

Ông Nguyễn Đức Cảnh, Trưởng thôn Liên Phương cho biết, thôn có 88 hộ, thì có đến hơn 70 hộ trồng, sản xuất, chế biến chè. Là vùng đất đỏ Bazan nên trồng chè rất thích hợp, cây chè đã được người dân trong thôn trồng từ năm 1970, đến nay thôn có tổng hơn 12,3ha chè.

Thôn có Hợp tác xã Dịch vụ, sản xuất, chế biến chè Liên Phú Trà được thành lập năm 2017 với 9 thành viên và được huyện hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5ha. Chỉ sau một năm thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu đã làm thay đổi tư duy sản xuất, chế biến chè của người dân, tiêu chí về sản phẩm sạch luôn được người dân đặt lên hàng đầu.

Để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế từ cây chè, những năm gần đây, người dân trong thôn đang dần chuyển đổi diện tích chè lâu năm già cỗi, kém năng suất sang trồng các giống chè chất lượng cao như LDP1, LDP2, PH1, Kim Tuyên...

Cùng với việc xây dựng mô hình sản xuất chè sạch, thôn Liên Phương cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm chè của làng nghề, xây dựng nhãn hiệu bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để sớm đưa sản phẩm chè tham gia các hội chợ thương mại.

Ông Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết, thời gian tới xã sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè sạch; khuyến khích người dân thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè, tiến tới đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Sơn Thủy