Theo báo cáo của ngành Y tế, tính đến 20h ngày 17-11, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát hiện mới 25 ca nhiễm Covid-19. Trong đó có 20 ca được phát hiện trong khu cách ly của huyện Lâm Bình (nâng tổng số ca mắc tại huyện Lâm Bình lên 148 ca), 4 ca tại huyện Sơn Dương có liên quan đến ổ dịch ở Lâm Bình và 1 ca ở phường Đội Cấn (TP. Tuyên Quang). Tất cả hiện đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện dã chiến huyện Lâm Bình.
Bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân sự, công an đang ngày đêm tận lực chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn tính mạng cho những bệnh nhân Covid-19 đang cách ly, điều trị.
“Chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận phòng, chống dịch
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 những ngày vừa qua tại huyện Lâm Bình nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung, đội ngũ y bác sĩ, những người công tác trong ngành y tế luôn là những người phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất trên tuyến đầu chống dịch. Thấm nhuần phẩm chất “Lương y như từ mẫu”, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân, lực lượng Y tế của tỉnh đã nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ, phối hợp cùng ngành Y tế huyện Lâm Bình luôn tận tâm, trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Kể từ khi tỉnh Tuyên Quang xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 mới tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và mới đây nhất là huyện Lâm Bình với số ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, có lẽ chưa khi nào lực lượng y tế được ngơi nghỉ. Đặc biệt, trong gần một tuần vừa qua tại huyện Lâm Bình, ngành y tế lại càng thêm vất vả. Bất kể thời gian, hoàn cảnh nào, dù nắng hay mưa, dù sáng sớm hay đêm khuya, mỗi khi có thông tin về F0, F1, họ lại tức tốc triển khai công tác phòng, chống dịch, phối hợp nhịp nhàng với Tổ Covid cộng đồng để điều tra, truy vết kịp thời. Cuộc điện thoại nhanh, tin nhắn gọn, có lúc chưa đủ ý nhưng mọi người đều hiểu và triển khai công việc ăn ý, với mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả nhất.
Bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đã huy động lực lượng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tất cả những trường hợp liên quan đến các ca F0 đều được ngành chức năng xác định nhanh, cách ly kịp, xét nghiệm nhanh nên nguy cơ bùng phát, lây nhiễm bệnh trong cộng đồng được hạn chế đến mức thấp nhất. Cùng với đó, ngành cũng phối hợp với UBND huyện và các lực lượng chức năng đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc xin trên địa bàn.
Anh Trần Đăng Thu, Kỹ thuật viên trưởng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, 22h ngày 12-11, nhận được thông báo của đơn vị, 4h sáng 13-11 có mặt tại bệnh viện để lên đường đi hỗ trợ Lâm Bình chống dịch. Anh và đồng nghiệp bắt tay vào công việc, các đoàn đi lấy mẫu từ sáng đến tối mới về, có hôm 10 giờ đêm mới ăn cơm xong. Tuy vất vả, nhưng anh cùng các đồng nghiệp cùng chung 1 quyết tâm đẩy lùi Covid-19, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.
Bệnh viện Dã chiến được đặt tại Trường THPT Lâm Bình, nơi phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn huyện Lâm Bình. Bác sỹ Đoàn Lương Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang được phân công làm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 huyện Lâm Bình cho biết: Đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần trên 100 bệnh nhân, các bệnh nhân điều trị tại đây phần lớn là các em học sinh Trường THPT Lâm Bình. Tại đây, lực lượng nhân viên y tế được chia thành 4 ca trực, mỗi ca làm việc 6 tiếng. Vì phần lớn các bệnh nhân điều chưa được tiêm phòng vắc xin Covid-19 nên Ban Giám đốc Bệnh viện yêu cầu các cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân không được chủ quan, lơ là, cần phải theo dõi sát, phân loại điều trị phù hợp với diễn biến, tình trạng bệnh, có kế hoạch điều trị, chăm sóc và phục vụ người bệnh cụ thể theo giờ, ngày, không để bệnh diễn biến nặng. Bên cạnh đó, chế độ thức ăn cho bệnh nhân cũng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để chống chọi với bệnh tật.
Điều dưỡng Đặng Thị Mai đang trực tiếp chăm sóc, theo dõi cho các bệnh nhân ở đây cho biết, hàng ngày, các bác sỹ và điều dưỡng tại đây sẽ thực hiện nhiệm vụ cấp thuốc, thường xuyên theo dõi các chỉ số SpO2, nhịp tim, huyết áp cho bệnh nhân để kịp thời xử trí các trường hợp diễn tiến nặng. Ngày đầu mới nhập viện, đa số bệnh nhân có tâm lý hoang mang, lo sợ, một số ít còn chủ quan, không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh. Để người bệnh tin tưởng sẽ vượt qua và chiến thắng được bệnh dịch, bên cạnh việc điều trị, các y, bác sỹ ở đây còn luôn chăm lo, động viên, chia sẻ, giải tỏa tâm lý để họ yên tâm điều trị. Mỗi ngày lại có những ca F0 nhập viện là số lượng bệnh nhân lại tăng lên những cán bộ làm nhiệm vụ tại đây luôn động viên nhau, nỗ lực, tập trung hết sức để cứu chữa bệnh nhân.
Một bệnh nhân ở thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình, Tuyên Quang) chia sẻ: Gia đình chị có 4 người thì có 3 người nhiễm Covid-19 (chị và 2 con) đang phải điều trị ở đây. Đầu tiên khi biết con gái bị nhiễm Covid-19, chị cùng gia đình cũng lo lắng cho sức khỏe của cháu vì cháu còn bé. Nhưng khi vào đây điều trị, các y bác sỹ luôn quan tâm, động viên, chăm sóc, tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất, đến nay, cả 3 mẹ con chị đều khỏe, không có triệu chứng gì (trước khi nhập viện và phát hiện bệnh, 2 con của chị đều bị sốt), sức khỏe có tiến triển khả quan.
Có lẽ trong mỗi chúng ta, ai cũng cảm nhận được rằng có lúc họ mệt mỏi, áp lực, căng thẳng, nhưng với tình cảm, y đức của một người thầy thuốc, lực lượng y tế hỗ trợ từ tỉnh, các huyện cũng như lực lượng y tế cơ sở luôn vượt qua tất cả để biến những khó khăn thành động lực chiến thắng đại dịch Covid-19. Mỗi người một nhiệm vụ, với những bước chân vội vã, len lỏi ngày đêm trên từng tổ dân phố, gõ cửa từng hộ cách ly để nắm tình hình và theo dõi sức khỏe.
Trong môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao, hàng ngày họ đều phải “làm bạn” với những bộ đồ bảo hộ nóng bức, kín mít, những đôi găng tay, khẩu trang, kính chắn,... Tuy vậy, sau lớp khẩu trang ấy, những bứt rứt, những khó chịu từ bộ đồ bảo hộ ấy vẫn là những nụ cười, là sự nhiệt tình, tâm huyết, đầy trách nhiệm của mỗi người trong cuộc chiến chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Lá chắn thép" bảo vệ sức khỏe nhân dân
Trên trận tuyến phòng, chống Covid-19, lực lượng Công an ngoài việc giữ gìn an ninh, trật tự, trực chốt kiểm soát, còn có một bộ phận ngày đêm truy vết F0, F1... để bóc tách, chặn đường lây lan ra cộng đồng.
Từ khi huyện Lâm Bình xuất hiện ca nhiễm, đến nay dịch Covid-19 ở địa phương này diễn biến tạp. Những chiến sĩ Công an có nhiệm vụ phối hợp với y tế khai thác, xác minh thông tin, yếu tố dịch tễ, lịch trình đi lại của các F ở các địa phương. Bất kể ngày hay đêm, hễ có thông tin về ca bệnh là các chiến sĩ lên đường. Những bước chân thầm lặng của các chiến sĩ sải đều vững chãi, làm việc trong khu vực nguy cơ cao để khai thác thông tin, thu thập lịch trình di chuyển, tiếp xúc của ca bệnh và người tiếp xúc ca bệnh.
Bất kể lúc nào, có lệnh là các chiến sĩ trong Tổ truy vết di chuyển thật nhanh đến địa điểm truy vết. Với địa phương là huyện miền núi, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hôm đi truy vết vào ban đêm, đi lại khó khăn nhưng các chiến sĩ luôn vui vẻ, làm việc không nghỉ, truy vết khẩn trương để tổng hợp thông tin về các trường hợp nghi ngờ nhằm hỗ trợ kịp thời công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Còn ở ngoài chốt, anh em bảo vệ dân phố phối hợp với dân quân thường trực và công an làm việc hết sức nghiêm túc, luôn yêu cầu người không phận sự không ra, vào, đồng thời nhiệt tình giúp người dân chuyển đồ đặt mua hoặc do người thân tiếp tế với các động tác khử trùng nhanh, gọn!
Lâm Bình là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cùng với các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các xã, thời gian qua Công an huyện Lâm Bình đã căn cứ theo các tài liệu, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Công an, của tỉnh, của huyện để biên tập thành các bài tuyên truyền. Trong đó, chủ yếu tuyên truyền với 2 nội dung chính là về cách phòng, chống dịch bệnh và những thông tin về mức xử phạt đối với những người không chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid- 19, sau đó thu âm lại để tổ chức đi tuyên truyền bằng loa truyền thanh lưu động. Ngoài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, Công an huyện Lâm Bình còn dịch sang tiếng dân tộc Tày, dân tộc Dao, dân tộc Mông để tuyên truyền đến các thôn bản trên địa bàn huyện, đặc biệt là những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cùng với lực lượng Công an, để duy trì hoạt động của các khu cách ly tập trung và Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn huyện Lâm Bình có vai trò quan trọng của lực lượng quân đội. Đây là lực lượng đảm bảo chính về công tác hậu cần. Thượng tá Nguyễn Văn Thống, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lâm Bình cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đơn vị đã huy động 51 cán bộ chiến sỹ và dân quân trên địa bàn đến làm nhiệm vụ tại các khu cách ly và tại Bệnh viện Dã chiến. Các chiến sỹ phải đảm bảo các bữa ăn cho các bệnh nhân và người cách ly theo quy định.
Từ ngày có dịch, các chiến sĩ công an, quân đội phải cách ly với gia đình. Nhiều hôm đi truy vết đi ngang qua nhà mà không dám nhìn vào. Phải làm việc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, áp lực công việc lớn, môi trường làm việc rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các chiến sĩ luôn tập trung cao độ, tận tâm với công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực, luôn lạc quan và yêu đời. Dù khó khăn như thế nào, các chiến sĩ vẫn bám sát địa bàn, hoàn thành nhiệm tốt vụ được giao.
Những “chiến sĩ cầm bút” nơi tuyến đầu
Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, cùng với các lực lượng tuyến đầu, các cơ quan báo chí trung ương, địa phương, các phóng viên, nhà báo đã không quản hiểm nguy, xung kích trên mặt trận "tuyến lửa" truyền thông để thực hiện sứ mệnh, đưa tin chân thực nhất về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Không ngại giờ giấc, đêm hôm, những “chiến sĩ cầm bút” vẫn luôn bám sát với nhiệm vụ được giao, kịp thời có mặt tại các “điểm nóng” liên quan dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Lâm Bình nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung. Những ngày này, bất kể đêm hôm, khi mọi người đã yên giấc cũng là thời điểm các lực lượng chức năng bắt đầu triển khai việc phong tỏa, chốt chặn những địa điểm là nơi cư trú của F0 hay ghi nhận các trường hợp F0 tiếp xúc. Khi nhận được tin, sự phân công của tòa soạn, tổ tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nhiều cơ quan báo chí lại lên đường đến những địa các điểm phong tỏa, cách ly y tế tạm thời để kịp thời, nắm bắt, truyền tải những thông tin mới nhất, chính xác nhất đến bạn đọc.
Nhanh nhẹn, nhiệt tình và luôn năng động khi thực hiện nhiệm vụ, phóng viên Minh Hoa của Báo Tuyên Quang là một trong những phóng viên theo dõi mảng y tế chưa bao lâu nhưng đã có “thâm niên” tuyên truyền 4 đợt dịch bệnh, nay đã dạn dĩ hơn hẳn và tự tin đến những “điểm nóng”, khu cách ly để tác nghiệp. Chị Minh Hoa chia sẻ trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của lực lượng y tế cả về dùng từ ngữ chuyên ngành trong thể hiện tin, bài cũng như các biện pháp bảo vệ bản thân trong môi trường có nhiều nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao. Vì vậy giờ đây chị Hoa đã đủ tự tin luôn sẵn sàng cùng các lực lượng có mặt tại những tuyến đầu để kịp thời truyền tải thông tin đến độc giả.
Có đi, đến những tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh mới thấy được sự “hy sinh” của các lực lượng ngày, đêm không nghỉ làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống an toàn của người dân trước dịch bệnh. Nhiều người thân và bạn đọc cũng đã quan tâm, hỏi thăm chúng tôi khi luôn phải đối mặt với những rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình. Tuy nhiên, có chứng kiến các lực lượng chức năng phải thức trắng đêm để truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm thì công việc của chúng tôi chưa là gì so với những “hy sinh” của họ”.
“Có thể nói, “những chiến sĩ cầm bút” chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào vì đã được tập thể cơ quan, ban biên tập tín nhiệm, đặt niềm tin trong nhiệm vụ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Coivd-19. Những kết quả phòng, chống dịch bệnh của tỉnh trong thời gian qua chính là động lực to lớn để đội ngũ phóng viên chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần chung sức cùng các lực lượng giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”. Phóng viên Minh Hoa cho biết thêm.
Mặc dù từ nhiều năm nay, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Lâm Bình, nay là Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện chỉ được xem là cơ quan hoạt động mang tính chất báo chí nhưng các phóng viên, biên tập viên cấp huyện vẫn làm việc với cường độ cao, sự đa năng và tính chuyên nghiệp cũng ngày càng được nâng lên. Với đặc thù công việc nghề báo, người làm báo hầu như phải thường xuyên bám sát cơ sở, bám lấy hơi thở của cuộc sống để lấy thông tin, đặc biệt là trong những ngày vừa qua, huyện Lâm Bình đang “nóng” lên vì số ca mắc Covid-19 tại huyện tăng cao.
Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình phối hợp với Công an huyện, Trung tâm Y tế huyện cập nhật thông tin về số ca nhiễm, cũng như các khuyến cáo của chính quyền địa phương, của Bộ Y tế… một cách kịp thời, cập nhật số ca nhiễm trên thế giới và trong nước theo từng giờ, từng ngày giúp người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tránh gây hoang mang trong nhân dân. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện đã tăng thời lượng, số lượng tin, bài phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Ngoài tuyên tuyền bằng tiếng phổ thông, Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện cũng dịch ra các thứ tiếng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn để tuyên tuyền với mục đích tuyên truyền cho mọi người dân đều được nghe và hiểu biết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Mỗi phóng viên của Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình đều nhận thức được nhiệm vụ của mình, bám sát và nhạy bén nguồn tin trên địa bàn, thực hiện những tin, bài phản ánh tình hình đời sống của người dân, những khó khăn trong điều kiện dịch bệnh để tuyên truyền đến bạn nghe đài, đến nhân dân. Bên cạnh đó, mỗi phóng viên luôn linh hoạt, đều biết quay phim, chụp ảnh, viết tin, bài, dựng phóng sự, hoạt động linh hoạt giữa các thể loại báo hình, báo nói, báo điện tử.
Không chỉ sản xuất chương trình phát thanh địa phương, tiếp sóng đài tỉnh, đài trung ương, hầu hết phóng viên của Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình phải căng sức với nghề bởi ngoài việc đảm bảo số lượng các chương trình phát trên hệ thống đài huyện, còn thường xuyên cộng tác với đài tỉnh, báo tỉnh, trang thông tin điện tử của huyện để thông tin kịp thời những vấn đề, sự kiện diễn ra tại địa phương đến Nhân dân, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Trong cuộc chiến với “giặc” COVID-19, bên cạnh các lực lượng đang căng mình nơi tuyến đầu chống dịch, còn có nhiều cán bộ cơ sở cũng đang ngày đêm vất vả để làm nhiệm vụ vừa chống dịch vừa chăm lo an sinh cho người dân tại huyện Lâm Bình. Công việc của các cán bộ cơ sở đa phần bắt đầu từ sáng sớm đến đêm muộn, hết tiếp nhận hàng hóa, đến phân chia rau củ quả, bốc vác hàng hóa… để kịp chuẩn bị các suất quà an sinh, hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo chu toàn nhất có thể cho lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
Cho đến hiện tại, chưa ai có thể khẳng định chắc chắn dịch bệnh COVID-19 sẽ kết thúc trong một sớm, một chiều, ngay cả khi có đủ vắc xin cho người dân. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” để tự bảo vệ mình, gia đình mình và cộng đồng xã hội cùng chung sống an toàn với đại dịch COVID-19; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm là rách nhiều, nhất là lòng yêu nước, thương nòi phải được khơi dậy trong mỗi con người; tuân thủ và đồng hành với các giải pháp, biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ, của địa phương cũng là sẻ chia với lực lượng tuyến đầu.