Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Momentum Works, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam năm ngoái ước đạt 1,1 tỷ USD và sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới. Hưởng lợi từ thị trường này là các ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu như Grab, ShopeeFood và Baemin Việt Nam.
Tuy nhiên, trái ngược với sự ăn nên làm ra của các siêu ứng dụng này, chủ các nhà hàng, quán cà phê tại Việt Nam lại không mấy hài lòng với kết quả kinh doanh hiện tại.
Họ phàn nàn về việc các chi phí đều tăng do vật giá leo thang, lượng khách giảm và mấu chốt là chiết khấu của các ứng dụng giao đồ ăn hiện đang quá cao.
Cắt giá, khuyến mãi, càng kinh doanh càng lỗ
Anh Tiến Huy - chủ một quán bánh mì kẹp thịt ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, ngay khi mở quán anh đã bán hàng trên các ứng dụng đặt hàng online và từng sử dụng công cụ quảng cáo của các ứng dụng này.
Ban đầu, hoạt động kinh doanh của anh Huy có lãi, nhưng đến nay càng bán qua ứng dụng, cửa hàng càng không thấy lãi đâu. Nguyên nhân là bởi mức chiết khấu mà các ứng dụng giao đồ ăn đã tăng từ 15-20% ở giai đoạn đầu lên mức 25-30% ở thời điểm hiện tại.
Xác nhận về thực trạng này, chị Quỳnh Như - chủ một quán trà sữa ở Quận 4, TP. HCM cho biết, thời gian đầu hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn, doanh thu quán đã được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng đơn hàng tại quán chị Như ít đi trông thấy. Quán trà sữa đã phải chi thêm 20% phí quảng cáo thu hút khách hàng trên ứng dụng, do tính cạnh tranh giữa các cửa hàng quá cao.
Điều này khiến lợi nhuận trên mỗi ly trà sữa bán ra chỉ khoảng 5%, nhưng doanh thu cửa hàng vẫn không cải thiện. Thậm chí, có những đơn hàng chị Như phải bán không công.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh
"Việc theo đuổi tăng trưởng nóng, giảm giá, khuyến mãi ở thời điểm hiện tại là không thuận lợi", ông Nguyễn Hoành Tiến - Phó Chủ tịch MoMo nhận định.
Theo ông Tiến, các doanh nghiệp F&B (nhà hàng, quán cà phê) muốn tồn tại ở thời điểm này cần phải quay lại những giá trị cơ bản, đó là tập trung vào chất lượng sản phẩm, sự tiện lợi, cũng như sử dụng các kênh bán hàng thông minh.
Nhận ra điều này, có những cửa hàng, quán ăn như của anh Huy, chị Như đã phải chuyển đổi mô hình, tập trung vào nhóm khách ăn uống trực tiếp tại quán, hoặc khách hàng khu vực lân cận. Giờ đây, họ chỉ coi các nền tảng giao đồ ăn là kênh thu nhập thêm.
Tuy nhiên, không phải chủ quán nào cũng dễ dàng chuyển đổi giữa các kênh kinh doanh trực tuyến và truyền thống, nhất là với các quán kinh doanh riêng lẻ đã có thời gian dài sống phụ thuộc vào ứng dụng giao đồ ăn.
Tự xây dựng ứng dụng riêng
Ở quy mô chuỗi kinh doanh F&B lớn hơn, ông Ngô Nguyên Kha – CEO The Coffee House tin rằng, dù là trực tuyến hay truyền thống, đây đều là những "điểm chạm" có lợi cho doanh nghiệp. Bởi càng nhiều "điểm chạm", doanh nghiệp càng dễ tiếp cận với khách hàng.
Chẳng hạn, khách hàng có thể đến với chuỗi The Coffee House thông qua kênh truyền thống gồm 150 cửa hàng trên toàn quốc; kênh trực tuyến gồm: website, fanpage, ứng dụng The Coffee House; kênh trung gian như: ứng dụng giao đồ ăn, mini app MoMo.
Theo ông Kha, việc có đa "điểm chạm" giúp The Coffee House không bị phụ thuộc vào một kênh đối tác bất kì. Nhưng đổi lại, doanh nghiệp phải có định hướng và đầu tư nghiêm túc từ đầu - vốn tiêu tốn nhiều thời gian, cũng như nguồn lực.
Có thể thấy, Ứng dụng giao đồ ăn là một kênh bán hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp F&B, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ. Để tận dụng tối đa những cơ hội và hạn chế những thách thức từ các ứng dụng này, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng và đầu tư nghiêm túc.
Bảo Anh