Huyện Vân Hồ có diện tích tự nhiên là 97.984 ha, nằm trên tuyến giao thông Quốc lộ 6 huyết mạch của vùng Tây Bắc… vì vậy, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, có nhiều cảnh đẹp, hòa với bản sắc phong phú của đồng bào các dân tộc đã và đang là tiềm năng thu hút dịch vụ du lịch nơi đây ngày càng đi lên. Với hướng đi chú trọng phát triển kinh tế địa phương theo đặc thù của từng khu vực, huyện đã xây dựng các kế hoạch, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, huyện tập trung tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng, hướng dẫn nhân dân gieo trồng đảm bảo đúng thời vụ, ra quân nạo vét, tu sửa kênh, mương đảm bảo nước tưới cho sản xuất, phòng chống hạn hán cho cây trồng…
Đặc biệt, huyện tiếp tục theo dõi các mô hình thâm canh cây chè trên địa bàn xã Tô Múa; mô hình thâm canh cây Mận trên địa bàn xã Vân Hồ, Lóng Luông; đánh giá nghiệm thu cơ sở đề tài “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số giống hoa Cát Tường gắn với phát triển du lịch sinh thái tại Mộc Châu, Vân Hồ”; đánh giá tình hình sản xuất cây khoai sọ Mán trên địa bàn huyện, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm khoai sọ Mán của địa phương.
Trong năm 2024, lũy kế trồng mới 142 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 4.390 ha, diện tích một số cây ăn quả chủ yếu: Cây cam 365 ha; cây mận hậu 631 ha; cây nhãn 775 ha; cây xoài 934 ha; cây bưởi 444 ha; cây chuối 215 ha… sản lượng quả tươi thu hoạch đạt 5.160 tấn, đạt 51,6% kế hoạch và bằng 73,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện trồng mới 5 ha chè tại xã Chiềng Yên, nâng tổng diện tích cây chè hiện có 1.430 ha, đạt 98,6% kế hoạch và bằng 101,5% so với cùng kỳ; sản lượng chè búp tươi thu hoạch khoảng 9.600 tấn, đạt 73,8% kế hoạch, bằng 102,1% so với cùng kỳ.
Song song với quá trình phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả, huyện đã tổ chức thực hiện tuyên truyền, triển khai các quy định, chính sách của Trung ương, tỉnh về thực hiện Chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, các tổ chức, cá nhân, chủ thể OCOP trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ cho biết: "Hằng năm, huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) huyện; Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện. Thông báo kết quả đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tham gia Chương trình và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tới các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, các chủ thể sản phẩm trên địa bàn để thực hiện. Hiện, trên địa bàn huyện có 8 sản phẩm OCOP trong đó: 4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao (Trà Sencha, Trà Matcha, Hồng trà Vân Hồ, Trà Hữu cơ); 4 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao (Cam canh Meha, Mật ong bánh tổ, Mật ong hoa Đơn buốt, Măng nứa sấy khô). Bên cạnh đó, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất thành lập mới HTX, mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện trong việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng tham gia tại các cuộc hội chợ, triển lãm…".
Đến thực tế tại Công ty cổ phần Chè Chiềng Đi, xã Vân Hồ, được biết Công ty là một trong các đơn vị đi đầu trong sản xuất và chế biến chè sạch. Công ty được thành lập năm 2014 và hiện có nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, Công ty đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè xanh cao cấp chiếm 67% và chè matcha, shencha chiếm 33%. Chè xanh cao cấp được chế biến từ những búp chè non sau khi thu hái, bảo quản và chế biến trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản. Matcha là dạng bột chè có nguồn gốc từ Nhật Bản và được chế biến từ những giống trà: Yabukita, Saemidori và Meiyoku của Nhật Bản được trồng tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu với độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, có hương vị đặc trưng riêng.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Đại diện Công ty cổ phần Chè Chiềng Đi chia sẻ: "Hiện nay, vùng nguyên liệu của Công ty có hơn 200 ha, với trên 500 hộ tham gia trồng tại xã Vân Hồ và thị trấn Nông trường Mộc Châu, trong đó có 30 ha chè hữu cơ. Hiện, Công ty có 20 công nhân lao động sản xuất với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của Công ty đã và đang dần tạo được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước với sản lượng tiêu thụ hằng năm đạt 120 tấn/năm, tổng doanh thu đạt hơn 15 tỷ đồng/năm, với 70% sản lượng xuất khẩu sang những nước khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Australia, các nước Trung Đông... 30% còn lại được bán vào chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc. Hiện, Công ty có 3 dòng sản phẩm chính là trà Sencha, trà Matcha, trà xanh ( trong đó: 2 sản phẩm trà Sencha, trà Matcha đạt sản phẩm OCOP 4 sao)".
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các hộ dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP), nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
A Trứ- Bình An