Trà từ lâu đã gắn liền trong đời sống thường nhật của người Việt. Trà không những được dùng làm thức uống mà còn là vật phẩm trong sính lễ, dịp ma chay, tạ lễ, tiếp khách. Khi khách đến chơi nhà thì chủ nhà dù có bận đến mấy cũng dừng việc, pha trà mời khách. Người bình dân uống kiểu bình dân, quan lại, quý tộc có tiệc trà kiểu quý tộc. Tất cả đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách. Bên tách trà nóng biết bao điều được đề cập, được thổ lộ.
Ông bà ta từ xưa đã có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu” ở bất cứ nơi đâu cứ hễ đến chơi nhà đều được chủ nhà mời chén trà để tỏ bày sự tiếp đón chu đáo, lịch sự đối với khách. Một thức uống bình dân phổ biến, gần gũi nhưng lại chứa đựng tình cảm của chủ nhà.
Để bắt đầu một câu chuyện người Việt thường bắt đầu từ chén trà. Bởi thế, từ xưa đã có câu “Chén trà là đầu câu chuyện” để thay cho câu nói về tục ăn trầu không ngày xưa. Việc chủ nhà mời khách nhâm nhi một tách trà thơm nồng là một nét mới trong nếp sống hiện đại ngày nay, cũng là thay cho lời chào nồng hậu của gia chủ.
Văn hóa trà Việt giản dị, gần gũi nhưng vẫn toát lên vẻ tinh tế, thanh cao. Tuy không cầu kỳ như trà đạo, nhưng cách thưởng trà của người Việt cũng có những nguyên tắc riêng, mang đậm giá trị truyền thống. Những nguyên tắc nhỏ khi mời trà tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa những giá trị đạo lý to lớn.
Rượu đầy, trà vơi: Cổ ngữ nói: “Tửu mãn kính nhân, trà mãn khi nhân”, ý nói mời khách chén rượu đầy là thể hiện sự kính trọng nhưng mời khách chén trà đầy là thể hiện sự coi thường khách. Nhưng như thế nào là vơi? Trong dân gian có câu: “Trà bảy phần đầy”, hay “Châm trà chỉ đầy bảy phần, lưu lại ba phần là nhân tình.” Nếu khi uống trà, mọi người đều cùng tuổi, cùng thế hệ với nhau thì có thể không cần theo thứ tự này. Đối với lần châm trà lần thứ hai cũng có thể bỏ qua thứ tự này.
Khách trước chủ sau, có khách mới phải thay trà: Khi mời trà khách, chủ nhà phải đợi cho tất cả khách đều phẩm trà trước rồi mới đến lượt mình. Đây là thể hiện sự tôn trọng của chủ nhà đối với khách. Nếu trong quá trình uống trà, có người khách mới đến, chủ nhân phải kịp thời thay trà mới để thể hiện sự chào đón, hoan nghênh của mình đối với khách. Đồng thời, để thể hiện thành ý của mình, chủ nhân có thể hỏi thêm khách về thói quen uống trà và nhiệt tình mời khách ngồi. Nếu không kịp thời thay trà sẽ khiến khách có cảm giác bị khinh khi, không chào đón.
Ngoài ra, khi trà chuyển từ đặc sang loãng, nhạt thì chủ nhân cũng phải thay trà. Nếu không kịp thời thay trà, nước trà đã trong, không còn màu sắc thì thể hiện người chủ lạnh nhạt, không tận nghĩa với khách. Đây cũng được coi là hành vi vô lễ, không nghiêm túc.
Giữ thái độ vui vẻ, ôn hòa: Chủ nhà mời khách thưởng trà phải luôn giữ thái độ vui vẻ, ôn hòa. Làm người khách mà nói cũng không được thất lễ, khi nhận được trà từ chủ nhân mời phải nói câu “cảm ơn”, hoặc mỉm cười để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người chủ.
Trong quá trình uống trà cũng kiêng kỵ thể hiện vẻ mặt bất nhã như nhíu mày, nhăn mặt… Vì điều đó có thể khiến chủ nhà hiểu là khách không thích, chán ghét loại trà đó. Nếu cảm thấy không thoải mái khi phẩm trà, người khách có thể đặt chén trà xuống bàn không thưởng thức nữa thì người chủ sẽ tự động hiểu.
Từ những lễ nghi nhỏ này chúng ta có thể thấy uống trà tuy là một việc rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng những lễ nghi tất yếu này vẫn là không thể thiếu được. Một người hiểu biết lễ nghi sẽ không dễ mắc sai sót, và từ những lễ nghi nhỏ đó cũng sẽ hiển lộ ra trình độ phẩm cách, sự tu dưỡng của người ấy.
Cùng với sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, uống trà được người Việt nâng lên thành một thú chơi, một thứ nghệ thuật với đầy đủ ý nghĩa của nó. Chẳng thế mà người ta gọi văn hóa uống trà là một “môn nghệ thuật” bởi tầng sâu ý nghĩa về mặt thưởng thức, hình thức cũng như hương vị của trà. Để một chén trà đạt chuẩn về chất lượng thì chén trà đó phải được tạo thành từ “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình”, nghĩa là điều quan trọng nhất phải là nước đun trà, thứ hai là loại trà, tiếp đến là dụng cụ pha, uống trà và cách pha, uống trà. Đối với người Việt, mời trà là một ứng xử văn hóa biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một cách ứng xử văn hóa, uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu lời tâm sự.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng với sự phát triển của thời đại, tục uống trà của người Việt đã tạo nên một bản sắc văn hóa được lưu truyền rộng rãi trong đời sống của mọi người, thấm cả vào những câu ca dao, tục ngữ, những điệu hò dân gian trữ tình, những áng thi văn bất hủ và cả trong tâm thức thường ngày của mỗi người.