Văn hóa trà đạo trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc

Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng với Kim chi, Kpop và nền kinh tế phát triển mà văn hóa trà đạo truyền thống cũng rất đặc sắc. Trà đạo trong văn hóa Hàn Quốc mang một phong cách rất tự nhiên mà mộc mạc nhưng lại mang đậm chất truyền thống Khổng đạo của xứ sở kim chi.

Văn hóa trà đạo trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc
Văn hóa trà đạo trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc

Trà xanh và trà đạo du nhập vào văn hóa Hàn Quốc từ lâu đời. Tuy nhiên, phong cách thưởng trà của người Hàn được biến tấu theo phong cách rất riêng. Trà đạo trong văn hóa Hàn Quốc như một nghi lễ tìm kiếm sự thư giãn và hài hòa. Việc thưởng trà không quá cầu kỳ và gò bó nhưng vẫn có những nguyên tắc, chủ yếu là tạo nên sự thư giãn, thoải mái. Tất cả hòa trộn tạo thành một nét riêng trong nghệ thuật thưởng trà Hàn Quốc.

Bộ trà cụ và nguyên liệu pha

Bộ dụng cụ trà đạo Hàn Quốc gồm có khay gỗ, bình nước sôi, ấm trà, chén trà, dụng cụ đựng trà khô, bát đựng nước sôi khi pha trà, bát đựng trà cặn và miếng gác nắp ấm trà bằng gỗ hoặc sứ. Ấm, chén và bát trà được làm theo phong cách gốm Hagi - một dòng gốm tráng men có kiểu dáng đơn giản, màu sắc nhã nhặn, thường là màu của đất để hòa quyện với sắc xanh của trà. Chất liệu chủ yếu của các trà cụ là gốm sứ và kim loại với các kiểu dáng đơn giản nhưng thanh thoát, phản ánh sự gắn kết hài hòa với thiên nhiên. Điều này tạo nên sự ấm áp, thể hiện nét đẹp tinh tế trong văn hóa trà đạo Hàn Quốc.

Bộ dụng cụ trà đạo Hàn Quốc
Bộ dụng cụ trà đạo Hàn Quốc

Nếu như trà đạo Nhật Bản dùng bột trà xanh (Mat-cha) thì ở Hàn Quốc lại dùng toàn bộ lá trà xanh (Jakseol-cha). Chất lượng của lá trà phụ thuộc vào thời gian hái. Vì thế mà ở Hàn Quốc có tới 4 mùa trà với mỗi loại trà khác nhau cho hương vị khác nhau và đi kèm với giá trị khác nhau.

Ngon nhất là trà U-jeon - những lá trà non thượng hạng trong mùa trà đầu tiên (Gok-u) bắt đầu vào ngày 20/4 hàng năm. Tiếp đến là mùa trà Sea-jak diễn ra vào khoảng 5/5. Thứ 3 là Jung-jak với lá trà già và to hơn. Mùa cuối cùng Dea-jak với giá trà thấp hơn so với các mùa trên.

Không chỉ quan trọng lá trà, nước dùng để pha trà cũng rất được coi trọng. Đó phải là nước tinh khiết, tốt nhất là nước suối tự nhiên, nước mưa, thậm chí nước sương đọng trên lá vào buổi sớm.

Nguyên tắc thưởng trà

Phong cách thưởng trà trong văn hóa trà đạo Hàn Quốc thực hiện theo nguyên tắc như sau: Người khách sẽ ngồi cách xa bàn trà, chủ nhà pha trà và rót vào từng chén trà, đặt lên một khay gỗ nhỏ và đưa tới từng vị khách. Chủ nhà sẽ rót nước trà lần hai khi trà của khách hết. Trong thời gian thưởng trà, chủ nhà chỉ rót 2 lần trà mời khách.

Đặc biệt, chủ nhà sẽ rót trà vào chén của khách ngồi bên tay trái trước, tiếp đến sẽ rót vào chén của mình rồi mới đến chén của khách ngồi bên tay phải. Chủ nhà sẽ là người nâng chén rước, một tay giữ chén trà, tay còn lại che chén và lòng bàn tay xoay vào trong. Chén trà được nâng lên mũi để thưởng hương trà và sau đó chậm rãi uống từng ngụm nhỏ. Nếu thưởng trà cùng người lớn tuổi, người trẻ nên xoay mặt sang hướng khác và uống thật kín đáo.

Cách thức pha trà

Trong văn hóa trà đạo Hàn Quốc, trà thường được pha với nước nóng từ 70 đến 80 độ C. Nước sôi sẽ được rót ra bát đã chuẩn bị sẵn, nắp ấm được nhắc ra đặt lên miệng gác và rót nước từ bát vào ấm. Nắp ấm trà được đậy lại, lắc nhẹ, đổ nước ra bát trà cặn để tráng ấm.

Cách thức pha trà
Cách thức pha trà

Kế đến, trà được cho vào ấm, rót nước nóng từ bát vào, hãm trong khoảng 2 phút để lá trà nở ra. Sau đó, trà sẽ được rót ra chén và thưởng thức. Thông thường, thời gian hãm trà sẽ tỉ lệ nghịch với lượng trà được pha. Lượng trà càng nhiều thì thời gian pha càng ngắn và ngược lại.

Cách thưởng thức

Cách thưởng trà trong văn hóa trà đạo Hàn Quốc được biến tấu theo phong cách rất riêng. Trà đạo được xem như một nghi lễ nhằm tìm kiếm sự hài hòa và thư giãn. Do đó, văn hóa thưởng trà tuy có những nguyên tắc nhất định nhưng không quá cầu kỳ và gò bó. Tất cả tạo nên một nét đẹp riêng trong nghệ thuật thưởng trà của Hàn Quốc.

Cách thưởng trà của người Hàn trong mỗi tình huống, nghi lễ sẽ khác nhau
Cách thưởng trà của người Hàn trong mỗi tình huống, nghi lễ sẽ khác nhau

Đặc biệt cách thưởng trà của người Hàn trong mỗi tình huống, nghi lễ sẽ khác nhau. Trong dịp lễ, tiệc thưởng trà sẽ được bày kèm một ít bánh ngọt như: yugwa (bánh gạo nếp chiên), gangjeong (bánh gạo), jeongwa (mứt hoa quả), dasik (bánh làm từ bột khoai tây, khoai lang hoặc đậu xanh)...

Nếu trước đây, thưởng trà là một nghi thức giao tiếp xã hội thì ngày nay, Trà đạo trong văn hóa Hàn là một cách thư giãn giúp đầu óc minh mẫn, giũ bỏ những lo toan, phiền buộn từ nhịp sống hiện đại. Văn hoá uống trà luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật của người Hàn Quốc.

Vũ Nghi (t/h)