Trong báo cáo cập nhật mới đây của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), các chuyên gia phân tích ước tính, PNJ ghi nhận SSSG đạt hơn 30% trong quý I/2021 - so với tỷ lệ khoảng 15% trong quý IV/2020 và khoảng 3% trong cả năm 2020 - được hỗ trợ bởi việc tiêu thụ trang sức trong nước tiếp tục phục hồi sau giai đoạn gián đoạn đỉnh điểm do dịch COVID-19.
Nhu cầu của người tiêu dùng phục hồi cũng được thể thiện qua doanh thu bán buôn của PNJ tăng 28% so với cùng kỳ (PNJ bán trang sức vàng truyền thống tự sản xuất cho các cửa hàng nhỏ lẻ) trong quý 1/2021.
Ngoài ra, VCSC cho rằng mức tăng trưởng cao của PNJ là do các hoạt động marketing hiệu quả - khi gia tăng tần suất và được thiết kế để phù hợp hơn với từng phân khúc người tiêu dùng và khả năng sản xuất và thiết kế sản phẩm vượt trội. Năng lực sản xuất của PNJ đang được tăng cường nhờ kế hoạch nâng cấp nhà máy thứ hai, nơi sẽ sản xuất trang sức vàng theo phong cách Ý của PNJ vốn đã được khách hàng đón nhận nồng nhiệt.
Theo PNJ, nhà máy thứ hai sẽ nâng tổng công suất của PNJ lên 4 triệu sản phẩm mỗi năm so với 3-3,5 triệu sản phẩm mỗi năm hiện tại (bao gồm 2,5-3 triệu sản phẩm tại nhà máy thứ nhất và 500.000 mặt hàng tại nhà máy thứ hai). PNJ đã sản xuất 2,7 triệu sản phẩm vào năm 2020 và đang trên đà đạt 4 triệu sản phẩm trong vòng 3 năm tới, theo ban lãnh đạo.
Dư địa tăng trưởng lớn bên ngoài thị trường chính TP. HCM. thực tế TP.HCM hiện chiếm khoảng 50% doanh số bán lẻ của PNJ và khoảng 40% tổng số cửa hàng của PNJ cho thấy dư địa tăng trưởng lớn của PNJ ở các khu vực khác (ví dụ: Hà Nội cũng như các thành phố cấp 2 và cấp 3). Theo ban lãnh đạo, tốc độ tăng trưởng doanh thu của PNJ ở các khu vực khác đã vượt xa thành phố TP.HCM; trong tương lai, PNJ kỳ vọng sẽ tăng tỷ trọng tại các cửa hàng ngoài TP.HCM.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/5/2021, cổ phiếu PNJ đứng ở mức 94.000 đồng/cổ phiếu, giảm 0,2%.
Tạ Thành