VDSC đánh giá, sự phục hồi mạnh mẽ này cho thấy tổng cầu tiêu dùng của các hộ gia đình, cùng với sự lạc quan của chỉ số niềm tin người tiêu dùng, dường như không chịu ảnh hưởng đáng kể, và được dự báo tiếp tục cải thiện trong 2021 khi các yếu tố về thu nhập khả dụng hồi phục trên cơ sở tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm về mức trước khi dịch bùng phát. Trong khi đó, tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế hậu Covid, song song với tỷ lệ tiêu dùng hộ gia đình ở mức cao được hỗ trợ bởi tầng lấp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cơ bản cho chi tiêu dùng và qua đó là ngành bán lẻ trong những năm tiếp theo.
Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có báo cáo cập nhật đối với ngành bán lẻ.
Sự vững chắc và bền bỉ trong các yếu tố cơ bản của nền kinh tế là môi trường thuận lợi cho ngành bán lẻ
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang nằm trong nhóm cao nhất trên thế giới nhờ vào việc ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19, sau khi IMF điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam lên 2,4%. Sau đó, dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, với GDP tăng 6,5%.
Nhìn xa hơn, JECR dự báo Việt Nam duy trì mức tăng trưởng trung bình 6% đến 2035 dựa vào xuất khẩu mạnh. Đây là nhân tố chính thúc đẩy mức thu nhập khả dụng của người dân cũng như dân số trung lưu Việt Nam - dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR lần lượ là 9,9% và 9,2% cho tới năm 2023. Tầng lớp trung lưu này dự kiến sẽ tăng lên 18% vào năm 2020, 25% vào năm 2025, 50% vào năm 2030 và trên một nửa dân số Việt Nam vào năm 2035, khoảng 60 triệu người, vào năm 2035, theo Mc Kinsey.
Theo đó, VDSC lạc quan về triển vọng của chi tiêu dùng - nổi bật như chất xức tác vững chắc hỗ trợ tăng trưởng của ngành bán lẻ - trong những năm tiếp theo.
Kênh bán lẻ hiện đại (MT) ngày càng chiếm ưu thế so với kênh truyền thống (GT)
Thị trường bán lẻ tổng thể được EMI ước tính có giá trị 109 tỷ đô vào năm 2019 với đóng góp lớn nhất đến từ ngành hàng tạp hóa và điện tử tiêu dùng. Trong khi các nhà bán lẻ hàng đầu đã đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa trong ngành hàng điện tử tiêu dùng những năm qua, tỷ lệ thâm nhập của kênh hiện đại trong ngành hàng tạp hóa mới chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn 8% trong năm 2019, theo EMI.
Tuy nhiên, các chuỗi bán lẻ hiện địa đang dần chiếm thị phần từ các hình thức thương mại truyền thống nhờ vào các sản phẩm chất lượng cao với các chủng loại mặt hàng đa dạng hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn tương đối. Nhưng ưu thế này tiếp tục là chất xúc tác cho sự phát triển của các hình thức thương mại hiện đại này trong bối cảnh COVID-19 khi người tiêu dùng có thể mua được nhiều món hàng trong một lần mua sắm, qua đó, giảm tần suất đi lại và tiếp xúc.
Cùng với quá trình đô thị hóa và thu nhập GDP đầu người tăng, xu hướng người tiêu dùng chuyển dịch từ kênh GT sang MT là tất yếu trong quá trình phát triển của một thị trường bán lẻ.
Mc Kinsey dự báo kênh MT có thể chứng kiến mức tăng trưởng từ 4 tỷ USD tại 2018 lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.
Sự thâm nhập thương mại điện tử (TMĐT) đang gia tăng, hỗ trợ bán lẻ đa kênh
Sự bùng phát COVID-19 đã thu hút một số lượng lớn người tiêu dùng Việt Nam trước đó không quan tâm đến mua sắm trực tuyến hay thanh toán điện tử. Cùng với sự bùng nổ của TMĐT - thị trường TMĐT của Việt Nam đang phát triển nhanh nhất trong khu vực, dự kiến sẽ tăng từ 7 tỷ đến 29 tỷ đô la từ năm 2020 đến năm 2025 - điều này có thể thay đổi vĩnh viễn thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Mặc dù vậy, TMĐT vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của sự phát triển và những doanh nghiệp kinh doanh TMĐT thuần túy vẫn còn phải đối mặt với những thách thức về hậu cần, đặc biệt là giao hàng dặm cuối cùng bên ngoài các thành phố cấp một. Trái lại, những nhà bán lẻ truyền thống có thể tận dụng xu hướng bùng nổ của TMĐT để tiếp cận khách hàng và bán hàng thông qua đa kênh trong tương lai, trong khi vẫn có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thực tế thông qua mạng lưới cửa hàng vật lý rộng khắp của mình.
Tạ Thành