Về vấn đề nhập khẩu, xăng dầu của Việt Nam tăng mạnh từ hai thị trường chính là Hàn Quốc với 369.000 tấn, thị trường Singapore là 243.000 tấn, tăng 2,5 lần. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn như Malaysia là 220.000 tấn, tăng 28,5%, nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan là 83.000 tấn, giảm 18,4%.
Lũy kế năm 2022, cả nước đã nhập khẩu 8,87 triệu tấn xăng dầu, trị giá 8,9 tỷ USD (tương đương 211.998 tỷ đồng), tăng 27,7% về lượng và tăng 118,5% về kim ngạch so với 2021.
Số liệu Tổng cục Hải quan
Trong số đó, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm 36-37% tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 3,22 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 96,2% về lượng và tăng 72% về kim ngạch so với năm 2021. Tiếp sau là thị trường Singapore, chiếm hơn 16% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu xăng dầu trong năm 2022, đạt 1,49 triệu tấn, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 91,3% về kim ngạch. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Malaysia 1,4 triệu tấn, trị giá 1,29 tỷ USD; từ Thái Lan 1,08 triệu tấn, trị giá 1,15 tỷ USD.
Trong năm 2022 được coi là năm biến động của thị trường xăng dầu trong nước. Bộ Công Thương đưa ra giải thích cho việc thị trường nhiên liệu trong nước thiếu hàng cục bộ trong quý II và III, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp phải nhập hàng lúc giá cao, bán ra giá thấp và chi phí kinh doanh chưa kịp điều chỉnh khiến họ bị lỗ. Việc này dẫn tới tình trạng đầu mối xăng dầu cắt giảm chiết khấu và giảm lượng hàng bán ra.
Trong ngày cuối năm 2022, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt thấp tài sinh của phân xưởng RFCC và ngừng tạm thời phân xưởng để khắc phục, dự kiến hoàn thành vào sau ngày 10/1/2023.
Phân xưởng chế biến dầu thô và các phân xưởng công nghệ khác được duy trì hoạt động ở công suất thấp hơn kế hoạch trong thời gian sửa chữa này. Do đó, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 sẽ bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch.
Sau thời gian khắc phục, sửa chữa, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã khắc phục xong sự cố từ chiều 13/1, đạt 100% công suất từ chiều 15/1.
Bộ Công thương chỉ đạo đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẳng định nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Đồng thời chủ động tăng công suất cao nhất trước kỳ bảo dưỡng định kỳ trong năm để bù đắp sản lượng trong thời gian bảo dưỡng, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thị trường và an ninh năng lượng quốc gia. Dự kiến tháng 1/2023, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất và cung ứng ra thị trường 600.000 m3 xăng đầu.
Dự báo nhu cầu xăng dầu tăng cao phục vụ sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch. Trong năm 2023, Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập 25,9-26,7 triệu m3, tấn xăng dầu, tức tăng 10-15% so với năm 2022. Bộ này cho biết sẽ kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước và không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung.
Trong một diễn biến khác, tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, một số doanh nghiệp phân phối xăng dầu đề xuất đưa kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trở lại chu kỳ 15 ngày/lần.
Cụ thể, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (APP) đánh giá Nghị định 95/2021 hiện hành cơ bản hoàn chỉnh, giai đoạn 2018 – 2021 chịu ảnh hưởng của dịch COVID nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định, chiết khấu tốt.
Tuy nhiên, một điểm chưa hợp lý là điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần thường xuyên trùng vào ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết… và phải lùi ngày.
Do đó, ông Dũng đề nghị quay lại điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần do chu kỳ nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam cần khoảng 15-20 ngày. Đồng thời nếu giá xăng dầu có biến động từ 5% trở lên, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh sớm.