Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite), tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 20,84% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến cuối tháng 6/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sầu riêng chiếm 1,5 tỷ USD.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu từ xuất khẩu sầu riêng là 3,5 tỷ USD trong năm nay, tăng 55% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Trong quý I/2024, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất vào thị trường Trung Quốc với 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng 2,4 lần về lượng so với cùng kỳ năm trước. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ 32% năm 2023 lên 57%.
Ngoài ra, Việt Nam hy vọng mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và mở ra cơ hội mới cho ngành nông sản. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật để ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng mạnh vì mỗi container sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc có giá trị cao gấp nhiều lần so với sầu riêng tươi.
Tuy nhiên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam lưu ý rằng một số lô hàng gần đây bị cảnh báo nhiễm chất cấm, ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra chất cấm ngay tại vườn và cơ sở đóng gói để đảm bảo không có lô hàng nào nhiễm chất cấm được xuất khẩu. Sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với nhiều cảnh báo từ thị trường Trung Quốc về những lô hàng không tuân thủ Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các cảnh báo chủ yếu là nhiễm các loài rệp mà Trung Quốc cấm, cơ sở đóng gói thu mua sầu riêng từ các vùng trồng chưa được cấp mã số hoặc nguồn gốc không rõ ràng. Ngoài ra, còn có cảnh báo về an toàn thực phẩm và hiện tượng hái “non” sầu riêng vẫn tồn tại. Chất lượng là yếu tố quyết định để đảm bảo sự bền vững cho xuất khẩu sầu riêng.
Do vậy, để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ quy trình kỹ thuật đến chế tài xử phạt để đảm bảo năng suất và chất lượng sầu riêng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Các đơn vị chức năng của Bộ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn liên quan đến xúc tiến và quảng bá sản phẩm, cũng như tiếp cận thị trường.
Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chân chính.