Việt Nam sẽ “cất cánh” trong ngành công nghiệp bán dẫn

Các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn sẽ trở thành tiền đề để Việt Nam phát triển chuỗi sản xuất, tiến tới phát triển sức mạnh “nội sinh”. Để hiện thực hoá điều đó, Việt Nam cần có những định hướng, mục tiêu và hành động cụ thể để xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu.

Việt Nam sẽ “cất cánh” trong ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 1

Tiềm năng đang được khai thác

Trong năm 2023, bức tranh kinh tế của Việt Nam được phác hoạ “đa màu” khi mở rộng ra với nhiều lĩnh vực tiềm năng, hấp dẫn. Trong đó, hottrend được giới đầu tư nước ngoài tìm kiếm nhiều tại Việt Nam chính là “chip bán dẫn”. Một lĩnh vực đang rất thu hút sự chú ý của toàn thế giới, nhỏ nhưng vô cùng quan trọng.

Những con chip bán dẫn được mệnh danh là “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ. Chip bán dẫn là thành phần cốt lõi cực kỳ thiết yếu trong không chỉ xe ô tô mà còn máy bay, điện thoại, CPU máy tính, tivi, tủ lạnh và gần như tất cả các thiết bị điện tử khác. Mọi cường quốc đều muốn làm chủ công nghệ này.

Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.

Tuyên bố nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Theo số liệu từ Cục Thống kê dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2.2022 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần. Con số ấn tượng đưa Việt Nam cùng một số khu vực ở châu Á vào Top thị trường tăng trưởng mạnh nhất, theo đánh giá của Bloomberg.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: “Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và không chỉ có vậy đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới.

“Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.

Phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số, công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.

“Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp”, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Ngôi nhà thứ hai của “đại bàng”

Ngay sau chuyến viếng thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 12/2023 vừa qua của đoàn Hiệp hội Bán dẫn Mỹ, tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia đã đến Việt Nam. Chuyến thăm này ngay lập tức gây tiếng vang lớn trong cộng đồng công nghệ và giới đầu tư toàn cầu. Bởi lẽ, Jensen Huang chính là “phù thủy” của ngành AI toàn cầu. Hơn nữa, sự phát triển của Nvidia thật đáng kinh ngạc, giá trị vốn hóa đã cán mốc 1.000 tỷ USD vào cuối tháng 5/2023.

“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam”, ông Jensen Huang đã nói như vậy trong chuyến viếng thăm Việt Nam.

Và điều này đã tạo sự hứng khởi và truyền cảm hứng lớn tới giới đầu tư. Dù tuyên bố của ông Jensen Huang chưa trở thành sự thật, nhưng câu hỏi được đặt ra là, liệu còn bao nhiêu “đại bàng” nữa muốn biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của mình?

Con số này thực ra không hề ít. Điều này được minh chứng từ nhiều năm trước, Samsung đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai và đó là lý do nhà đầu tư này đã dốc 20 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, đưa Việt Nam không chỉ trở thành cứ điểm đầu tư, mà còn là cứ điểm R&D (Nghiên cứu và Phát triển).

“Chúng tôi sẽ góp phần xây dựng quê hương thứ hai của mình bằng cách nỗ lực vì sự phát triển của Việt Nam, đơn cử như việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nói và cho biết, triết lý “đồng thịnh vượng” luôn được Samsung nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu tới Việt Nam.

Không khẳng định Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai”, nhưng ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban Giám đốc điều hành Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, với AEON, Việt Nam chính là “thị trường quan trọng thứ hai” bên cạnh Nhật Bản. Vì thế, AEON vẫn đang tăng tốc đầu tư, mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác để mở trung tâm mua sắm lớn ở Cần Thơ và Bắc Giang. Vốn đầu tư cho hai trung tâm này có thể lên tới 500 triệu USD.

Trong khi đó, Foxconn, Goertek…, hay Intel đều coi Việt Nam là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng nhất. Họ tiếp tục bỏ vốn vào thị trường đầy tiềm năng Việt Nam.

Chú trọng đào tạo nhân sự công nghệ bán dẫn

Để chuẩn bị đón “đại bàng”, Việt Nam đang đẩy mạnh thúc đẩy sự chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực cho ngành bán dẫn.

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP, Chính phủ giao các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam. Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.

Ngoài ra, quy hoạch điện 8 cũng đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định; hệ thống giao thông đã dần hoàn thiện và đồng bộ; Việt Nam có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, Việt Nam cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho lĩnh vực này.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Chúng tôi xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài. Trong lĩnh vực bán dẫn, về hạ tầng, khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: “Việt Nam có nguồn nhân lực rất dồi dào, số lượng sinh viên theo học STEM chiếm ⅓ và tăng khoảng 10% trong 3 năm qua. Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo ngành toán và hóa học, số 1 trong khu vực Đông Nam Á, chính vì vậy tạo nền tảng tốt trong các ngành còn lại như bán dẫn, công nghệ thông tin”.

Ông Phúc cũng cho biết, hiện nay khoảng 200.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại nước ngoài. Vì vậy nếu phát triển ngành nghề công nghệ cao, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.

“Nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo thêm tới đào tạo mới hoàn toàn”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp TP.HCM cũng cho hay: “Đối với ngành vi mạch bán dẫn, TP.HCM có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hóa về đổi mới sáng tạo”.

“TP.HCM nhận định ngay từ đầu năm 2002 nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, đã có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synosys, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”, ông Thi nêu.

Chiều 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Công ty TNHH Hana Micron Vina, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc của Việt Nam và là ngành mới nổi trên thế giới, song phát triển rất mạnh.

Thời gian qua, Việt Nam đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư về lĩnh vực này. Thủ tướng đánh giá cao về sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian qua và chiến lược phát triển đến năm 2025.

Cùng với các cơ chế ưu đãi, điều nhà đầu tư cần nữa là sự sẵn sàng về đất đai, hạ tầng, nhân lực và cả sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, cũng như sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, thậm chí là sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp trong nước, để đủ sức trở thành đối tác của họ trong cuộc chơi toàn cầu.

Động thái trên được đánh giá là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỉ USD và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.

Kim Linh – Đức Huy