Việt Nam xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ đứng thứ 3 Châu Á

Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia là các nước có số lượng chip xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh trong năm nay.

Việt Nam lọt top ba quốc gia châu Á dẫn đầu về lượng chip xuất khẩu sang Mỹ
Việt Nam lọt top ba quốc gia châu Á dẫn đầu về lượng chip xuất khẩu sang Mỹ

Theo báo cáo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông về lĩnh vực công nghiệp ICT mới được công bố gần đây, Việt Nam cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia là những quốc gia dẫn đầu về việc gia tăng sản lượng chip xuất khẩu sang Mỹ.

Cụ thể, trong lĩnh vực bưu chính, sản lượng bưu chính, chuyển phát tháng 4 ước đạt 175 triệu bưu gửi, tăng trên 20% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Với lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ 51,32% tăng 0,71% so với tháng trước (50,61%). Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đủ điều kiện đạt 84,14%, tăng 7,06% so với tháng trước (77,08%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 54,88%, tăng 0,08% so với tháng trước (54,80%).

Tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 4/2023 là 27,247 triệu giao dịch.

Trong lĩnh vực kinh tế số, tháng 3/2023, tổng số lượt download các ứng dụng di động của Việt Nam là 280 triệu lượt, tăng 13% so với tháng 2/2023. Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp ICT, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia dẫn đầu việc gia tăng xuất khẩu chip bán dẫn vào thị trường Mỹ trong năm nay. Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp.

Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ.

Bên cạnh đó, năm qua, thị trường chip Việt Nam đã đón nhận một số tín hiệu tích cực. Chẳng hạn, tháng 9/2022, FPT Semiconductor-Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software-Công ty thành viên Tập đoàn FPT) vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế.

Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC-Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt cấu trúc, hướng đến phục vụ các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Sản phẩm thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam và được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Mới nhất, Tập đoàn FPT cũng cho biết vừa mở Trung tâm chiến lược phần mềm tại Lương Khánh, thành phố Nam Ninh, Trung Quốc nhằm đẩy mạnh việc phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ cho thị trường tỷ dân, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ ô tô hiện đại và bán dẫn.

Dù vậy, trừ một số ít doanh nghiệp có khả năng thiết kế chip như Viettel, FPT, lượng chip xuất khẩu từ Việt Nam đa phần được các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.

Tiến Hoàng