Vòng đời của cây chè

Cây chè là một trong những loại cây công nghiệp mang lại nguồn kinh tế cao cho người dân. Tuy là cây công nghiệp lâu năm nhưng cây chè cũng trải qua vòng tuần hoàn đơn giản là sinh ra, phát triển và già cỗi. Ở mỗi loại giống khác nhau thì tuổi thọ chè sẽ khác nhau, điều này còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và quá trình chăm sóc.

Vòng đời của cây chè cũng được tính từ lúc được sinh ra sau đó già cỗi và chết đi.
Vòng đời của cây chè cũng được tính từ lúc được sinh ra sau đó già cỗi và chết đi.

GS.TS Nguyễn Ngọc Kính - Hội Khoa học & Công nghệ Chè Việt Nam cho biết: “Về tuổi thọ, cây chè hoang dại mọc ngoài tự nhiên có tuổi thọ tới hàng nghìn năm. Cây chè cổ thụ hiện nay ở nước ta có tuổi thọ cỡ khoảng 600 năm. Với chè trồng để sản xuất thì tuổi thọ khoảng từ 40 - 60 năm.” 

Thông thường chu kỳ sinh trưởng và phát triển của một cây chè bao gồm năm giai đoạn: Giai đoạn hạt giống; giai đoạn cây con; giai đoạn cây non; giai đoạn cây chè lớn và giai đoạn cây chè già.

Giai đoạn hạt giống (giai đoạn phôi thai)

Giai đoạn phôi thai chính là giai đoạn phôi hạt (đối với chè hạt) hay phôi của các mầm dinh dưỡng (đối với chè cành). Giai đoạn phôi hạt là quá trình hình thành hạt, được tính từ khi hoa được thụ phấn, thụ tinh cho đến lúc quả chín, quá trình này đòi hỏi khoảng 1 năm. Giai đoạn phôi của các mầm dinh dưỡng là khoảng thời gian bắt đầu từ lúc phôi mầm phát động, phân hóa, hình thành búp mới, cành mới nếu tách khỏi cây mẹ thì nó có khả năng mọc rễ để hình thành một cá thể mới. Quá trình này cần khoảng 60 - 80 ngày.

Giai đoạn cây con

Giai đoạn cây con được tính từ khi hạt nảy mầm cho đến cây ra hoa, kết quả lần đầu tiên. Giai đoạn này cần khoảng trên dưới hai năm. Trong điều kiện ở Việt Nam, thường giai đoạn này kết thúc ở cuối năm thứ nhất. Trong giai đoạn này cây sinh trưởng dinh dưỡng mạnh, tán cây vươn theo chiều cao mạnh hơn là phân cành ngang. Đặc điểm ưu thế đỉnh ở hai đầu.

Giai đoạn cây non

Giai đoạn cây non được tính từ khi cây ra hoa, kết quả lần đầu tiên cho đến khi cây được định hình, có bộ khung tán rõ. Trong điều kiện chè trồng tại nước ta, giai đoạn cây non tương ứng với giai đoạn chè 2-4 tuổi. Trong giai đoạn này sinh trưởng dinh dưỡng vẫn chiếm ưu thế, thân chè đã có một số cành nách, bộ rễ cũng đã phát triển, có nhiều rễ bên. 

Giai đoạn cây non hay giai đoạn thiết kế cơ bản. Các bụi chè phải trồng 3-4 năm kể từ khi gieo trồng mới phát triển thành cây trưởng thành. Từ đó năng suất chè cao dần.

Giai đoạn cây chè lớn

Giai đoạn này được tính từ khi cây chè định hình, có tán ổn định, bước vào giai đoạn kinh doanh cho đến khi cây chè có biểu hiện thay tán mới, từ gốc, xuất hiện những cành vượt to khỏe để thay thế tán già cỗi. Giai đoạn này kéo dài 20 - 30 năm hoặc lâu hơn tùy giống, điều kiện ngoại cảnh, khí hậu đất đai, điều kiện chăm sóc, quản lý, thu hoạch…

Đây là giai đoạn dài nhất và là giai đoạn sản xuất kinh doanh, cung cấp búp nhiều nhất, chất lượng tốt nhất trong tổng chu kỳ phát dục cá thể của cây chè. Cũng trong giai đoạn này, các bộ phận trong cá thể phát dục hoàn chỉnh nhất, sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực diễn ra mạnh nhất, biểu hiện rõ những đặc tính tốt, xấu của giống.

Tuỳ giống, điều kiện đất đai, dinh dưỡng và khai thác. Chăm sóc kém và khai thác nhiều sẽ làm cho cây chè bị suy thoái, già trước tuổi. Đây là giai đoạn chè cho năng suất cao nhất.

Giai đoạn cây già

Giai đoạn cây già được bắt đầu từ lần cải tạo tự nhiên (chồi vượt mọc lên thay thế bộ khung tán củ) và kết thúc khi cây chè già cỗi và tự chết. Giai đoạn chè già cỗi, cây chè suy yếu dần, lá nhỏ, búp ít, chóng mù xoè, hoa quả nhiều, cành tăm hương nhiều, chồi gốc mọc nhiều. Đến giai đoạn này, người trồng chè phải dùng các biện pháp kỹ thuật để tạo tán mới cho chè.

Trong giai đoạn này cây chè suy yếu dần, cơ năng sinh lý giảm. Thời gian đầu của thời kỳ này, quá trình sinh trưởng sinh thực diễn ra mạnh, cây phát triển hoa quả nhiều, cành lá yếu, cành tăm hương nhiều, các búp chè chỉ có khoảng 2 - 3 lá thật là mù xòe, kích thước lá giảm hẳn, sinh trưởng dinh dưỡng kém.

Thời kỳ giữa, quá trình sinh trưởng dinh dưỡng và sinh thực đều yếu. Cuối giai đoạn này, tán chè có hiện tượng chết dần từ ngoài vào. Từ cổ rễ xuất hiện những cành vượt to,dài, thân đỏ: Đây là dấu hiệu thay đổi bộ khung tán mới, nếu thực hiện kỹ thuật đốn trẻ lại thì cây chè có thể phục hồi sinh trưởng thêm một thời gian (tuy nhiên không duy trì được lâu).

Cây chè cũng trải qua quá trình sinh trưởng, phát triển và chết đi như những loại cây khác của tự nhiên. Vòng đời ngắn hay dài còn ảnh hưởng nhiều yếu tố, tuy nhiên thông thường cây chè sẽ có tuổi thọ trung bình khoảng 40-50 năm. Ngoại trừ những giống chè cổ thụ hay chè Shan tuyết trong tự nhiên.

Thư Trà